Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:16 (GMT +7)
Nạn mua bán người vẫn nhức nhối từng ngày - Bài 1: Dụ dỗ bà bầu, buôn bán trẻ em
Thứ 5, 12/10/2023 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Hiện nay, nạn mua bán trẻ em diễn ra cả trong đời thực lẫn trên không gian mạng, núp dưới vỏ bọc giúp đỡ mẹ bầu, cho và nhận con nuôi.
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 88 vụ mua bán người với 229 tội phạm, 224 nạn nhân, tương đương cả năm 2022 (90 vụ, 247 tội phạm, 222 nạn nhân). Mua bán người đang diễn ra khắp nơi, nạn nhân gồm cả trẻ em lẫn người lớn, nam lẫn nữ. Loạt bài của Báo Phụ nữ TPHCM phản ánh bức tranh toàn cảnh về vấn nạn này.
Lên mạng “săn” trẻ sơ sinh
Trên mạng xã hội Facebook, nhóm “Hội nhóm giúp đỡ mẹ bầu - cho nhận con nuôi” có 26.000 thành viên. Hằng ngày, trên nhóm này đều có các bài đăng với nội dung sinh con ngoài ý muốn, không có khả năng nuôi, cần cho con hoặc gia đình hiếm muộn cần xin con nuôi. Trên nhóm, cũng có bài quảng cáo dịch vụ làm giả giấy chứng sinh, giấy khai sinh và nhiều loại giấy tờ khác.
Đó là một trong rất nhiều nhóm trên mạng rao cho và nhận con nuôi. Thực chất, đây là các ổ buôn người. Từ tháng 7/2023, trên mạng xã hội Facebook và Zalo, xuất hiện tài khoản có tên “Kimthaole”, thường xuyên đăng tin cho, nhận con nuôi là trẻ sơ sinh. Các trẻ này do những sản phụ mang thai ngoài ý muốn sinh ra và được các gia đình hiếm muộn nhận nuôi. “Kimthaole” thường lên các nhóm trên mạng, hứa hẹn “bồi dưỡng” tiền để bù đắp thiệt hại về sức khỏe cho sản phụ, đồng thời tìm người hiếm muộn để bán đứa trẻ mà cô ta xin được để hưởng tiền chênh lệch.
Để che giấu hành vi phạm pháp, “Kimthaole” thuê phòng trọ ở nơi vắng vẻ, kín đáo để các sản phụ chờ ngày sinh và bàn giao con hoặc làm nơi nuôi dưỡng trẻ mua được. Cô ta còn dùng thủ đoạn báo mất giấy tờ tùy thân của các sản phụ khi nhập viện, khai báo gian dối thông tin để bệnh viện cấp giấy chứng sinh không đúng thông tin thật nhằm hợp pháp hóa khai sinh cho các gia đình hiếm muộn khi mua trẻ.
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM xác định, “Kimthaole” có tên thật là Lê Hồng Anh - sinh năm 1987, ở quận 4, TPHCM. Cuối tháng 7/2023, công an đã bắt giữ Lê Hồng Anh khi cô ta đang mua 1 bé trai với giá 16,5 triệu dưới hình thức “bồi dưỡng” cho sản phụ. Người bán con là N.T.T.T. - sinh năm 2004, quê ở tỉnh Bến Tre.
Tại cơ quan điều tra, T. khai nhận, do sinh con ngoài ý muốn nên đã lên nhóm “Hội chị em hiến trứng, mang thai hộ, gia đình hiếm muộn” trên Facebook bình luận rằng muốn cho con ruột. T. đã được Lê Hồng Anh tiếp cận, “xin” con và hứa gửi tiền bồi dưỡng 16,5 triệu đồng.
Bán trẻ em làm vợ
Gia đình L. (TP Cần Thơ) nghèo, luôn trong cảnh nợ nần. Đã vậy, cha L. thường xuyên cờ bạc, bạo hành vợ con. Học tới lớp Năm, L. phải nghỉ để đi làm công cho họ hàng. Năm 13 tuổi, L. được người hàng xóm rủ đi làm ở nơi khác với mức lương cao hơn. Tin vào những lời đường mật này, L. đã trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.
Sau 3 ngày bị đưa lậu qua biên giới, L. tới nhà 1 phụ nữ Việt Nam ở Trung Quốc. Ở đây, còn có 2 bé gái khác cũng trong tình cảnh tương tự. Cả 3 được thông báo đã bị bán làm vợ người Trung Quốc, nếu không chấp nhận thì sẽ bị đưa vào nhà chứa. Sợ bị đẩy vào nhà chứa, 3 bé gái buộc phải nghe theo những kẻ buôn người, bị bán về một ngôi làng.
Suốt 1 tháng đầu tiên, L. bị nhốt trong nhà, thường xuyên bị đánh đập, cưỡng hiếp. Sau một thời gian, thấy đã “thuần hóa” được, chủ nhà cho L. ra khỏi nhà để chăm trồng bí ngô trên rẫy. Trong suốt 3 năm ở đây, L. đã sinh 2 người con. Mỗi lần có cơ quan chức năng tới kiểm tra, 3 mẹ con L. lại bị nhốt xuống tầng hầm để tránh.
L. luôn khao khát được hồi hương, thoát khỏi “địa ngục trần gian”, nơi chỉ xem mình như cỗ máy đẻ và lao động. Do vậy, khi được cho dùng điện thoại, cô đã nhắn tin cho gia đình qua ứng dụng Zalo. Gia đình L. báo chính quyền địa phương, chính quyền giao Hội LHPN tìm cách giải cứu mẹ con L. Liên tục trong 2 tháng, L. được hướng dẫn chụp hóa đơn tiền điện gửi về.
Các cán bộ trong Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam đã nhờ người dịch hóa đơn và tìm được địa chỉ nơi L. đang ở. Ngôi nhà bình yên đã kết nối với Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, liên hệ với nạn nhân qua Zalo liên tục trong 5 tháng. Kết quả, L. và 2 con được một tổ chức phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đón về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, đưa về Ngôi nhà bình yên ở TP Hà Nội.
Lúc này, L. 16 tuổi, 2 con của L. 3 tuổi và 1 tuổi, chưa rành tiếng Việt. Sau khi được hỗ trợ tâm lý và kỹ năng sống, dạy tiếng Việt, các nạn nhân được đưa về Ngôi nhà bình yên TP Cần Thơ, hỗ trợ học nghề.
Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - cho hay, trong 10 năm qua, trung tâm đã tư vấn cho 14.000 lượt người, trong đó có 24,5% liên quan tới mua bán người và di cư. Trong số 1.658 phụ nữ, trẻ em tạm lánh trong 3 Ngôi nhà bình yên, có 445 phụ nữ, trẻ em (286 người lớn, 156 trẻ em) là nạn nhân của nạn mua bán người. Năm 2021, Ngôi nhà bình yên ở TP Hà Nội từng tiếp nhận 4 trẻ sơ sinh là nạn nhân vụ mua bán người được giải cứu.
Dùng bẫy “lương cao” rồi ép đi bán dâm
Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang nắm thông tin để có hướng hỗ trợ 7 bé gái bị Hà Thị Thu Hằng (thường trú ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tạm trú ở TP Hà Nội) lừa đi bán dâm ở tỉnh Lào Cai. Bà Hoàng Phương Hiền - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho hay, 7 nạn nhân trên được công an giao cho tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (TP Hà Nội) chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề và phục vụ công tác điều tra. 7 bé gái quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế bị Hằng dụ dỗ ra Bắc làm việc với mức lương 30-40 triệu đồng/người/tháng nhưng lại đưa đi bán dâm.Tháng 6/2023, cơ quan công an xác định, Hà Thị Thu Hằng cùng đồng bọn tổ chức cung cấp gái phục vụ quán karaoke ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Sau khi quán karaoke dừng hoạt động, Hằng bán các nạn nhân cho Nguyễn Mạnh Hổ, lấy 3-5 triệu đồng/người. Hổ đưa các nạn nhân lên tỉnh Lào Cai để tổ chức chứa, bán dâm và bóc lột tình dục, trong đó có 7 nạn nhân quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bộ Công an đã xác lập chuyên án mang bí số 523H, giao Công an tỉnh Lào Cai chủ trì, phối hợp với công an các tỉnh phá án. Ngày 24/6, Công an tỉnh Lào Cai và Công an TP Lào Cai đã đột kích 3 nhà nghỉ, phát hiện nhiều đôi nam nữ đang mua bán dâm. Công an đã giải cứu nhiều nạn nhân, trong đó có một số bé gái dưới 16 tuổi.
Giám sát địa bàn để ngăn chặn mua bán người Ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An từng xảy ra vụ việc hơn 20 bà bầu vượt biên ra nước ngoài sinh rồi bán con. Bà Mùa Y Xài - Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Kiệm - cho biết, do kinh tế quá khó khăn nên nhiều phụ nữ người Khơ Mú dễ bị bọn buôn người dụ dỗ. Chúng tiếp cận phụ nữ mang thai và dụ bán con để có được khoản tiền lớn để trang trải cuộc sống, có tiền nuôi những đứa con còn lại tốt hơn. Một số người nghe xuôi tai nên đồng ý đi bán con. Ngoài tuyên truyền, những năm qua, Hội LHPN xã Hữu Kiệm còn phối hợp với công an xã để giám sát bà bầu nhằm ngăn tình trạng vượt biên bán con. Khi phát hiện người lạ vào thôn, xã, cán bộ Hội LHPN phối hợp với công an để làm rõ mục đích. Tử vong trên đường vượt biên bán con Gần 5 năm qua, anh Lương Văn Hồng - 38 tuổi, ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - phải “gà trống nuôi con” sau khi người vợ gặp tai nạn, tử vong trên đường vượt biên để sinh con rồi bán. Năm 2018, khi đang mang thai đứa con thứ sáu, chị Moong Thị L. (29 tuổi) theo 4 phụ nữ khác sang Trung Quốc để sinh và bán con. Trên đường đi, chị L. bị tai nạn, qua đời. Anh Hồng phải bán tháo đàn bò, vay mượn thêm gần 100 triệu đồng để làm lộ phí sang Trung Quốc đưa tro cốt vợ về quê nhà. 5 năm qua, anh Hồng phải một mình nuôi 5 đứa con và kiếm tiền trả nợ. |
Còn khó khăn khi hỗ trợ nạn nhân là trẻ em Luật Phòng, chống mua bán người chưa có quy định cụ thể về mua bán trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Đó là do luật này được ban hành trước khi có Luật Trẻ em (năm 2016) nên chưa có sự dẫn chiếu các quy định cụ thể về quyền cơ bản của trẻ em như quyền đăng ký khai sinh, quyền được chăm sóc, giáo dục. Chẳng hạn, luật chưa có quy định trẻ em là người nước ngoài được giải cứu tại Việt Nam, được chăm sóc ở các trung tâm bảo trợ của Việt Nam sẽ được hưởng những quyền hỗ trợ về tư pháp như thế nào. Khi chúng tôi đi khảo sát, có những trường hợp trẻ em được đưa từ Campuchia sang, không xác định được quốc tịch và được đưa vào các cơ sở bảo trợ của Việt Nam. Nhưng do là trẻ nước ngoài nên các em chưa được hưởng những quyền hỗ trợ về tư pháp, chưa được khai sinh, đến tuổi đi học thì không được đi học. Do đó, tôi nghĩ cần nghiên cứu để bổ sung quy định. Liên quan đến vấn đề hỗ trợ tư pháp, luật cũng chưa quy định trung tâm bảo trợ là tổ chức đại diện cho trẻ em để thực hiện các thủ tục pháp lý cho nạn nhân, nên trong nhiều trường hợp, các trung tâm bảo trợ xã hội không rõ mình có quyền, nghĩa vụ ấy hay không. Hiện nay, các trung tâm bảo trợ xã hội do người nước ngoài hoặc do các cơ sở tôn giáo thành lập rất khó trao những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng ở các trung tâm này cho các gia đình nhận nuôi. Trong khi đó, theo nhiều nhà nghiên cứu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong gia đình thay thế là phương pháp nuôi dạy trẻ tốt nhất, mang lại sự phát triển tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần cho các em. Bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Theo phunuonline.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()