Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:16 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Thứ 4, 19/04/2023 | 15:29:25 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Quảng Ninh đã tích cực ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm xử lý chất thải trong chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, trong đó chú trọng các giải pháp về phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Hoàng Văn Thảo (thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) có quy mô hơn 10.000 con gà thương phẩm mỗi năm. Đàn gà của gia đình anh luôn phát triển tốt và cho hiệu quả cao. Anh Thảo chia sẻ: Được chính quyền xã vận động, gia đình tôi đã vay vốn xây 2 chuồng nuôi gà thương phẩm rộng 600m2, cách xa nhà ở hơn 150m, trong chuồng nuôi áp dụng đệm lót sinh học. Nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc đàn gà, cũng như thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đàn gà phát triển tốt, quanh nhà không còn bị ô nhiễm bởi chất thải do đàn gà thải ra, các hộ dân xung quanh cũng không còn phàn nàn bởi mùi hôi như trước đây…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện đàn trâu trên địa bàn tỉnh có 29.101 con, đàn bò có 32.532 con, đàn lợn 275.242 con, đàn gia cầm trên 4,757 triệu con, đều tăng so với năm 2021. Thời gian qua, công tác đảm bảo môi trường trong chăn nuôi đã được các địa phương, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh hiện có trên 41.000 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 1.244 trang trại chăn nuôi và 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý chiếm khoảng 79,6%. Trong đó, chất thải xử lý bằng sử dụng công trình khí sinh học (biogas) với trên 9.000 hầm Biogas, chiếm 22,6%. Hầu hết các trang trại đều có công trình xử lý chất thải, không xả thẳng ra môi trường; các doanh nghiệp, các trang trại chăn nuôi lớn đã quan tâm thực hiện xử lý môi trường, 100% có báo cáo đánh giá tác động hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm cũng như đảm bảo tốt vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao, điển hình như: Công ty TNHH Phú Lâm (TP Móng Cái), Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả), Công ty CP Đông Bắc Green (TP Cẩm Phả), Công ty CP Phát triển chăn nuôi và Nông lâm ngư nghiệp Phúc Long (huyện Tiên Yên), Trại gà Tân An (huyện Đầm Hà)…
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi có sử dụng hệ thống xử lý chất thải nhưng lại vượt quá quy mô công suất, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khu vực nông thôn, miền núi chưa có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh mà thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, không khí và sức khỏe đối với người dân xung quanh.
Để giải quyết những tồn tại này, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, cũng như mở các lớp tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường, có ý thức trong việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, hiệu quả.
Trong năm 2023 tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai các dự án đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ để đẩy nhanh tiến độ; sớm ban hành quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi để đảm bảo môi trường khu dân cư.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()