Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:32 (GMT +7)
Xử lý chất thải chăn nuôi còn khó khăn
Thứ 5, 09/03/2023 | 13:46:16 [GMT +7] A A
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn, trong đó có môi trường trong chăn nuôi, đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm tuyên truyền đến người dân về thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi theo nguyên lý tuần hoàn. Tuy nhiên hiện nay, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi vẫn còn nhiều tồn tại.
Hết năm 2022, đàn trâu trên địa bàn tỉnh có 29.101 con, đàn bò 32.532 con, đàn lợn 275.242 con, đàn gia cầm 4.757,5 nghìn con, đều tăng so với năm 2021; tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại khoảng 101.500 tấn.
Theo khảo sát, đánh giá của các địa phương, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn hiện đều có công trình xử lý chất thải, không xả thẳng chất thải ra môi trường. 100% các cơ sở có báo cáo đánh giá tác động hoặc giấy phép môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, số trang trại chăn nuôi tập trung công nghệ hiện đại được đầu tư trên địa bàn tỉnh còn ở mức độ, chỉ có 127 trang trại chăn nuôi và 12 trang trại tổng hợp có hoạt động chăn nuôi.
Đã có một số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn, như: Công ty TNHH Phú Lâm (TP Móng Cái), Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả), Công ty CP Đông Bắc Green (TP Cẩm Phả), Công ty CP Phát triển chăn nuôi và Nông lâm ngư nghiệp Phúc Long (huyện Tiên Yên), Trại gà Tân An (huyện Đầm Hà). Còn lại chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm tới 98,94% tổng số cơ sở, chiếm 83,68% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Phương thức nuôi chủ yếu là phân tán, tập quán chăn thả, nhốt vật nuôi gần khu sinh hoạt gia đình. Nhiều cơ sở chăn nuôi còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Hiện 93,24% số cơ sở chăn nuôi thu gom chất thải có áp dụng các biện pháp xử lý (sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng công trình khí sinh học, ủ/bón phân, thu gom và rọn rửa vệ sinh hằng ngày...); trong đó có 8.815 hộ chăn nuôi lợn xây dựng công trình khí sinh học (biogas)… Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp này đều chưa xử lý triệt để các thành phần ô nhiễm; còn khoảng 6,76% lượng chất thải chăn nuôi không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường, chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi nông hộ có gia súc thả rông, không có chuồng cố định. Phần lớn, các cơ sở chăn nuôi nông hộ chưa chú trọng đến việc xử lý mùi hôi…
Ông Phạm Văn Lảnh, tổ trưởng tổ 7, khu 5 (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) cho biết: Tổ có 5 hộ chăn nuôi. Mỗi hộ nuôi khoảng 20 con lợn, có lúc đến 40 con. Dù có hầm biogass, nhưng do nuôi quá công suất, hầm không được hút, xử lý thường xuyên, nên lượng nước thải chăn nuôi vẫn tràn ra đất hoặc hòa vào hệ thống thoát nước chung của phường, bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường sống. Các hộ chăn nuôi này phần lớn là làm công nhân, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Mặc dù bà con rất thông cảm, nhưng chính quyền địa phương cần có hướng dẫn để các hộ có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi không ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Việc xử lý triệt để chất thải sau giết mổ càng khó khăn hơn, bởi cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh quá ít; tiến độ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung còn chậm. Bố trí quỹ đất xây dựng dự án giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương còn gặp khó khăn; một số địa điểm đã quy hoạch xa trung tâm, chợ nên không thu hút được nhà đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh mới xây dựng, nâng cấp và đi vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ tập trung tại TP Uông Bí (2 cơ sở), TP Hạ Long (2 cơ sở), TP Cẩm Phả (1 cơ sở), TX Đông Triều (1 cơ sở), quy mô công suất hơn 200 con/ngày. Qua đó mới có trên 40% lượng gia súc (lợn) được giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Các địa phương không có cơ sở giết mổ tập trung còn tồn tại 606 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó 32 cơ sở giết mổ gia súc nói chung, 428 cơ sở chỉ giết mổ lợn, 143 cơ sở chỉ giết mổ gia cầm, 3 cơ sở hỗn hợp. Công suất giết mổ tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ thấp (trâu, bò 1-2 con/ngày; lợn 1-5 con/ngày; gia cầm 10-50 con/ngày), chất thải rắn (phân, lông)... đều được thu gom và xử lý; tuy nhiên lượng nước dùng trong giết mổ (30-40 lít nước/con) dù được xử lý qua hệ thống biogas, ao sinh học… nhưng chỉ đạt 60-70% theo yêu cầu.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, năm 2023 tỉnh tiếp tục từng bước tái cơ cấu ngành chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai các dự án đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ để đẩy nhanh tiến độ; sớm ban hành quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi để đảm bảo môi trường khu dân cư.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()