Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:25 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng các trường tư thục
Thứ 5, 07/10/2021 | 07:19:25 [GMT +7] A A
Sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường tư thục tại Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, theo hướng hiện đại hóa, nâng cao về chất lượng, được đông đảo nhân dân tin tưởng, cho con theo học.
Nằm ở trung tâm TP Hạ Long, Trường TH-THCS-THPT Văn Lang có cơ sở vật chất rộng rãi, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học. Khuôn viên nhà trường rộng trên 9.900m2, gồm 4 khu nhà học 4 tầng, 1 khu hiệu bộ, 1 khu đa năng. Trong đó: 49 phòng lớp học; 7 phòng học bộ môn. Tất cả các phòng dành cho lớp học và phòng bộ môn đều được trang bị ti vi hoặc máy chiếu và điều hòa. Khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng giáo dục của Trường TH-THCS-THPT Văn Lang, TP Hạ Long được nâng lên rất nhiều.
Năm học gần đây nhất 2020-2021, với kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đứng vị trí thứ 4 trong toàn tỉnh. Năm học 2021-2022, do lượng học sinh có nguyện vọng theo học tại trường tăng cao nên Trường đã đề nghị và được tỉnh đồng ý cho tuyển sinh tăng thêm 1 lớp 10 so với kế hoạch đăng ký ban đầu, để đáp ứng mong muốn học tập của con em nhân dân.
Được biết, những năm qua, hệ thống trường tư thục phát triển mạnh hơn tại các vùng đô thị của tỉnh. Một số địa phương có nhiều trường, lớp tư thục, phải kể đến là: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều… Cụ thể như ở Cẩm Phả, tính đến tháng 7/2021, toàn thành phố có 4 trường ngoài công lập; số lượng trẻ được huy động đến các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục chiếm gần 1/3 tổng số trẻ huy động đến trường, lớp các cơ sở GDMN trên địa bàn thành phố.
Bà Lê Thị Lan, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả cho biết: Nhằm giúp cho hệ thống giáo dục tư thục phát triển, Phòng đã đề xuất Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đóng BHXH cho giáo viên, nhân viên trong các đơn vị này. Cùng với đó là có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư cho giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là xây dựng các trường mầm non chất lượng cao, để tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Như: Hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp, ưu tiên dành quỹ đất, hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, biệt phái giáo viên trong những năm đầu thành lập…
Đến nay, Quảng Ninh có 55 trường ngoài công lập từ cấp mầm non đến THPT. Trong hơn 20 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 20.000 trẻ em mầm non, trên 70.000 học sinh phổ thông học tại các trường ngoài công lập. Tổng kinh phí các trường ngoài công lập tự đầu tư lên tới trên 997 tỷ đồng.
Cô giáo Vũ Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bình Khiêm (TP Hạ Long) cho biết: Năm học này trường được chủ đầu tư tiếp tục chỉnh trang về cơ sở vật chất, đảm bảo các phòng học, phòng thực hành. Trường còn xây dựng thêm 1 thư viện hiện đại để phục vụ hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu học tập của học sinh.
Theo Sở GD&ĐT, giai đoạn 2020-2025, ngành sẽ tiếp tục ổn định cơ bản về số lượng các trường ngoài công lập, trong đó chú trọng xây dựng theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và mô hình trường chất lượng cao tạo môi trường học tập tốt cho các đối tượng học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục tư tục, ngành đã đề nghị chủ đầu tư các trường chú trọng đến công tác bồi dưỡng giáo viên, chủ động học hỏi kinh nghiệm quản lý ở những đơn vị giáo dục tiêu biểu để áp dụng tại nhà trường. Chủ động rà soát đề án xây dựng nhà trường đảm bảo đầu tư đúng, đủ, đạt hiệu quả, tạo cơ hội tốt nhất cho cán bộ, giáo viên và học sinh giảng dạy và học tập…
Lan Anh
- Thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản
- Phát huy vai trò của hệ thống khám, chữa bệnh ngoài công lập
- Xây dựng trường chuẩn quốc gia: "Chìa khóa" nâng cao chất lượng giáo dục
- Công đoàn viên chức tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
- Những chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 10/2021
Liên kết website
Ý kiến ()