Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:12 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng chăm sóc đối tượng bảo trợ
Thứ 7, 05/10/2024 | 09:39:15 [GMT +7] A A
Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) hiện quản lý, chăm sóc 155 đối tượng. Với sự quan tâm của tỉnh cùng tinh thần, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ cán bộ, nhân viên, Trung tâm đã trở thành mái ấm của những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và yếu thế.
Tháng 6/2022 Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh khánh thành, đưa vào sử dụng 2 tòa nhà cao tầng, tổng mức đầu tư hơn 52 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, gồm: Khu nhà ở 5 tầng cho người già, người khuyết tật, diện tích sàn hơn 2.200m2; khu nhà đa năng 3 tầng phục vụ công tác y tế, phục hồi chức năng và phòng làm việc của cán bộ, nhân viên Trung tâm. Điều này không chỉ cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe các đối tượng, mà còn nâng công suất tiếp nhận, chăm sóc và trợ giúp của Trung tâm từ 130 lên 250 người, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, tỉnh liên tục điều chỉnh tăng tiền ăn hằng tháng cho các đối tượng. Mới đây nhất, Nghị quyết số 43/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh", đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 650.000 đồng lên 700.000 đồng/người/tháng (đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm được hưởng hệ số 4, tương đương 2,8 triệu đồng/người/tháng). Với mức trợ giúp này, Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong nước có mức hỗ trợ cao hơn so với mức chuẩn trung ương, giúp bữa ăn của đối tượng không ngừng được cải thiện.
Để làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, trợ giúp đối tượng, bảo đảm đúng chế độ, chính sách hiện hành, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bằng tình yêu thương, xem họ như chính người thân của mình. Sống trong môi trường đầm ấm, giàu tình người, các đối tượng cũng xem cán bộ, nhân viên của Trung tâm như người thân; thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Hằng ngày các đối tượng được đo huyết áp, cấp phát thuốc đầy đủ và được hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để nâng cao sức khỏe. Hằng tháng, Trung tâm tổ chức đưa đối tượng đi khám bệnh theo chế độ BHYT tại các cơ sở y tế trên địa bàn: Trung tâm Y tế TP Uông Bí, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh. Những đối tượng nằm liệt tại chỗ được chăm sóc vết loét, thay rửa vết thương thường xuyên.
Trung tâm tổ chức tắm, giặt cho các đối tượng không tự phục vụ được, hướng dẫn đối tượng sắp xếp phòng ở thoáng mát, rộng rãi; đồ dùng, tư trang luôn gọn gàng, sạch sẽ. Dịp lễ, tết, ngày Người cao tuổi Việt Nam, Trung tâm tổ chức mừng thọ, tặng quà cho các đối tượng; tổ chức nhiều hoạt động vui xuân tạo không khí vui tươi, đầm ấm cho các đối tượng.
Để nâng cao sức khỏe cho đối tượng, Trung tâm chú trọng đến vấn đề vệ sinh ATTP, thực đơn đa dạng để phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đối với đối tượng khó khăn trong ăn uống, không tự phục vụ được, khẩu phần ăn được thay đổi theo nhu cầu và tình trạng sức khỏe của đối tượng, có cán bộ phụ trách trực tiếp chăm sóc, cho đối tượng ăn. Trong các ngày lễ, tết, Trung tâm tổ chức ăn tết cho đối tượng trong không khí thân tình, ấm cúng, đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách.
Bà Phạm Thị Ngoan, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Thời gian tới Trung tâm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng, thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm lý các đối tượng, duy trì hoạt động của CLB tình nguyện viên công tác xã hội, các hoạt động kết nối tình nguyện, từ thiện cho các đối tượng; sắp xếp đối tượng theo khu để công tác trợ giúp phát huy hiệu quả cao hơn.
Hồng Anh
Liên kết website
Ý kiến ()