Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:45 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi
Thứ 7, 28/10/2023 | 07:34:40 [GMT +7] A A
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có gần 181.000 người cao tuổi, chiếm 13,46% dân số toàn tỉnh. Nhờ trình độ, trí tuệ, kinh nghiệm sống, cùng sức ảnh hưởng lớn trong gia đình và cộng đồng xã hội, người cao tuổi của tỉnh đang tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp.
Ông Đặng Văn Hùng (phường Yên Hải, TX Quảng Yên) năm nay đã ở tuổi 76, nhưng vẫn là trụ cột, người chèo lái hoạt động sản xuất, kinh doanh cho xưởng mộc của gia đình. Đôi mắt đã mờ, bàn tay không còn nhanh nhẹn như ở độ tuổi thanh niên, song điều quan trọng nhất là vốn kinh nghiệm làm nhà cổ truyền thống mà ông Hùng chắt lọc cả đời luôn giúp cho xưởng mộc của gia đình duy trì hoạt động, thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng/năm. Tại đây, luôn có hơn 10 lao động là con, cháu trong dòng họ và người dân địa phương được tạo việc làm ổn định, yên tâm gắn bó lâu dài. Với ông Hùng, việc duy trì xưởng mộc vừa để có thêm kinh tế, vừa để lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Thực tế cho thấy, tinh thần thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” của người cao tuổi toàn tỉnh đã và đang được phát huy, lan tỏa sâu rộng trong nhiều năm qua. Ghi nhận từ các địa phương, cơ sở trong toàn tỉnh cho thấy, nhiều tấm gương điển hình người cao tuổi vẫn đang hăng hái nêu gương mẫu mực trong thi đua làm kinh tế giỏi, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng NTM, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa... Các mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được phát triển rộng rãi đến từng xã, phường, thị trấn, với tổng số 188 CLB, vượt mức 135% so với chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra cho cả giai đoạn 2021-2023.
Những năm qua, tỉnh luôn dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc người cao tuổi. Các chính sách bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi được quan tâm, triển khai đồng bộ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Ngày 9/12/2022, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND mở rộng quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi. Cụ thể HĐND tỉnh đã quyết nghị bổ sung nhóm được hưởng chính sách của tỉnh gồm: Người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, chưa được hưởng trợ cấp xã hội và có hoàn cảnh khó khăn; người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi không có vợ hoặc chồng, không có con, không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và có hoàn cảnh khó khăn. Kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh đến hết ngày 31/12/2025.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Người cao tuổi ở các địa phương cũng đã tích cực phối hợp với các ngành y tế, lao động thương binh xã hội để duy trì tốt việc thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, mừng thọ, thăm khám sàng lọc sức khỏe miễn phí tại nhà cho các hội viên. Các nguồn lực xã hội hóa cũng thông qua Hội Người cao tuổi mà được gửi đến đúng những hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp kịp thời, chứa đựng trong đó là tình cảm sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng xã hội. Bà Phạm Thị Vân (xã Thủy An, TX Đông Triều) cho biết: Dù tuổi đã cao, tôi vẫn phải bươn chải vì có 4 người con, người thì mất sớm, người thì bệnh nặng, không còn sức lao động. Nhờ có 60 triệu đồng hỗ trợ của Quỹ Thiện tâm, cùng với sự giúp đỡ về kinh phí, vật liệu... từ hàng xóm, chính quyền địa phương, tôi đã xây dựng được căn nhà mới, một mái ấm vững chãi. Đây là niềm an ủi, động viên lớn, là giấc mơ mà tôi chưa từng nghĩ đến.
Quan tâm và chăm sóc cho người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn của cả xã hội. Với sự quan tâm của tỉnh, nhìn chung người cao tuổi trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, đóng góp bền bỉ, tổng hòa vào nguồn sức mạnh to lớn của tỉnh trên hành trình thực hiện khát vọng xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh kiểu mẫu, giàu mạnh, hiện đại, văn minh.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()