Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:34 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 5, 13/04/2023 | 13:41:38 [GMT +7] A A
Kể từ khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, khu vực nông thôn của thành phố có 12 xã, trong đó 11 xã ở vùng cao miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực này, TP Hạ Long đã thực hiện rất nhiều giải pháp, nhất là trong những tháng đầu năm 2023.
Chính quyền đẩy mạnh hỗ trợ vốn, giống từ chương trình xây dựng NTM của địa phương; qua đó, dần làm thay đổi tư duy sáng tạo, chủ động của người dân nơi đây. Riêng năm 2023, thành phố bố trí 471.190 triệu đồng vốn Ngân sách để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS năm 2023.
Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện tốt việc cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh. Đến nay vốn vay đã được triển khai đến 11 xã là 28.596/28.600 triệu đồng cho 388 hộ, người lao động được vay vốn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Nhiều hộ dân vùng đồng bào DTTS, miền núi bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại năng suất cao hơn như trồng nho, keo, ổi theo tiêu chuẩn VietGAP… Nhờ đó, thu nhập của các hộ gia đình tăng từ 5-10%/năm.
Cùng với đó, thành phố cũng tích cực triển khai đào tạo nghề, tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng DTTS. Riêng 3 tháng đầu năm 2023, Hạ Long đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 7 sàn giao dịch việc làm , thu hút 88 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với tổng số 378 vị trí việc làm, 2.059 người cần tuyển dụng, tuyển sinh. Qua đó đã giải quyết việc làm cho 225 lao động; trong đó có nhiều lao động ở vùng DTTS trên địa bàn. Theo Phòng LĐ-TB&XH thành phố, trong năm 2023, thành phố tổ chức 4 lớp đào tạo nghề cho 80 lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND xã Kỳ Thượng, Bằng Cả nghiên cứu, xây dựng phương án quản lý, khai thác, phát huy giá trị Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; phương án xây dựng các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch ở Bằng Cả với các điểm du lịch khác trên địa bàn; chỉ đạo các xã triển khai quản lý, khai thác phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch… qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Không chỉ chú trọng nâng cao đời sống kinh tế mà các vấn đề xã hội ở các xã tại Hạ Long cũng được quan tâm. 11 xã vùng DTTS, miền núi ở Hạ Long thường xuyên triển khai các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng và chăm sóc bà mẹ, trẻ em nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tỷ lệ tử vong trẻ em. Quý I, năm 2023, tỷ lệ phụ nữ vùng DTTS đẻ khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ là đạt 95,5 %; tất cả phụ nữ khi đẻ đều có nhân viên y tế đỡ; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh tại nhà là 78/111 đạt 70,3%.
Thành phố còn hỗ trợ thẻ BHYT theo Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cho 4.672 người và 1.886 học sinh với tổng kinh phí là 1.318 triệu đồng; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ 5 hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023, trị giá 1 triệu đồng/hộ. Thành phố còn tặng quà cho 55 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán.
Mặt khác, các đoàn thể tích cực vận động nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã vận động nhân dân thường xuyên dọn vệ sinh môi trường thực hiện ngày chủ nhật xanh, phân loại rác thải tại nguồn; vận động người dân tự xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt bằng bể tự hoại 3 ngăn trước khi xả ra môi trường.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố trong 3 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức 4 buổi tuyên truyền cho gần 300 người tham dự về hướng dẫn phân loại rác thải tại hộ gia đình; Ra mắt câu lạc bộ “3 sạch” tại xã Đồng Sơn; tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường thực hiện Ngày Chủ nhật xanh.
Hội Nông dân ra quân nạo vét 2.322m kênh, mương thủy lợi và tuyên truyền, vận động 20 hộ gia đình tại xã Hòa Bình thực hiện nhân rộng mô hình trồng bí xanh với diện tích 3ha... UBND thành phố còn phân công các phường giúp đỡ các xã trên địa bàn phát triển KT-XH, xây dựng NTM.
Sự vào cuộc của các cấp các ngành đã giúp đời sống của người dân ở vùng DTTS trên địa bàn TP ngày càng nâng cao. Hiện toàn thành phố không còn hộ nghèo, cận nghèo. Người dân vùng DTTS trên địa bàn đã tích cực áp dụng các mô hình mới phù hợp lợi thế của địa phương để ổn định cuộc sống.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()