Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:18 (GMT +7)
Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 2, 12/12/2022 | 07:52:12 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 21 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 162.000 người, sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, nhưng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng DTTS, tỉnh luôn triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách dân tộc với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, chủ động, tích cực tham mưu triển khai sớm, có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", các chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững… Từ đầu năm đến nay, tỉnh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi trên 700 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng, ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn 150 tỷ đồng. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Chị Tằng Si Múi (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) phấn khởi nói: Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, người dân trong xã đã biết phát triển kinh tế, nuôi gà Tiên Yên để nâng cao thu nhập. Trong thôn, hộ ít cũng nuôi vài trăm con gà, hộ nhiều nuôi đến mấy nghìn con. Gia đình tôi hiện nuôi gần 3.000 con gà, chuẩn bị xuất bán dịp Tết năm nay, với giá bán tại nhà 120.000-130.000 đồng/kg sẽ thu được vài trăm triệu đồng.
Bên cạnh nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng đồng bào DTTS, các chế độ, chính sách đối với người có uy tín cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 20 người có uy tín năm 2021-2022; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho hơn 200 đại biểu người có uy tín; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại Tây Nguyên cho 40 người có uy tín. Tổng kinh phí thực hiện chính sách với đội ngũ người có uy tín trong năm là trên 2,7 tỷ đồng. Quan tâm chăm lo cho người có uy tín đã góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với đồng bào DTTS.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức biên soạn, phát hành hàng trăm cuốn tài liệu tuyên truyền về "Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số"; phối hợp tổ chức 14 hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án cho hơn 1.100 cán bộ thôn, xã và nhân dân tại các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống.
Các chính sách về bình đẳng giới khu vực đồng bào DTTS được tỉnh và các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm với nhiều mô hình hay, ý nghĩa. Công tác giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho bà con DTTS được đẩy mạnh. Trong năm 2022 có hơn 1.500 lượt người dân vùng đồng bào DTTS được tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ…
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh: Việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách dân tộc trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao hiểu biết cho người dân vùng DTTS; thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng khó khăn của tỉnh với thành thị, nông thôn.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()