Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:32 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thứ 5, 06/04/2023 | 13:12:25 [GMT +7] A A
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, các ngành và cả xã hội quan tâm, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt.
Phần lớn người lao động nông thôn đã quan tâm, chú trọng đến kỹ năng nghề nghiệp, xác định được tính thiết thực của việc học nghề. Cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, rà soát danh mục nghề đào tạo theo phương châm “chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”. Đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng, theo chỉ tiêu đã được khắc phục tích cực. Các cơ sở đào tạo nghề chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, theo nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn.
Trong hơn 13 năm từ khi thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng gần 40.000 lao động nông thôn, trong đó 38% học nghề nông nghiệp, 62% học nghề phi nông nghiệp. Người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học để nắm bắt KHKT áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học để giảm nghèo bền vững và thậm chí học để làm giàu.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trên 86% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 21,4% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo, nhiều hộ nghèo trở thành hộ khá, nhiều hộ khá trở thành hộ giàu, đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Những kết quả trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nông dân trong 13 năm qua đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động; tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động toàn tỉnh giảm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững.
Công tác đào tạo nghề cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển các sản phẩm dịch vụ có lợi thế so sánh với các địa phương khác nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Sự thành công của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP giai đoạn 2018-2020” là một ví dụ điển hình. Đến năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 220 doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và 54 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên thực tiễn cho thấy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn vẫn còn tồn tại, hạn chế. Việc dự báo nhu cầu về các ngành, nghề cần đào tạo trên thị trường gắn với nhu cầu phát triển địa phương, công tác hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa tốt. Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù phát triển nhanh nhưng số đơn vị không tham gia hoặc tham gia rất ít dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là một số đơn vị được đầu tư trang thiết bị từ chương trình như: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Vân Đồn, Cô Tô, Ba Chẽ, Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh. Một số đơn vị không được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề hoặc đầu tư rất ít, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong khi đây là lực lượng chính tham gia đào tạo nghề cho lao động ở khu vực nông thôn. Chính sách hỗ trợ đào tạo còn thấp và chưa được điều chỉnh kịp thời so với sự biến động của giá cả. Việc định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho người lao động học nghề chưa được quan tâm thỏa đáng, trong tổng số người phát huy được hiệu quả sau đào tạo, phần lớn là do người lao động tự tạo việc làm...
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 10 năm tới bước vào quá trình phát triển mới. Đặc biệt là những tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển khoa học - công nghệ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đặt ra yêu cầu phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân và cư dân để giúp người nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống thành người nông dân hiện đại, có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, vừa hiểu biết về KHKT, đồng thời hiểu biết về kinh tế thị trường, sản xuất theo chuỗi giá trị và các kỹ năng mềm cũng như có ý thức bảo vệ môi trường để phát triển bền vững...
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()