Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:20 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Thứ 7, 20/11/2021 | 07:17:45 [GMT +7] A A
Mang trên mình sứ mệnh vẻ vang, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, các thế hệ nhà giáo luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức. Trong số đó có nhiều nhà giáo đã dành cả tuổi xuân của mình vì học sinh thân yêu, tận tụy, nhiệt huyết, bám trường, bám lớp, trở thành những tấm gương sáng, là người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu
Cô giáo Lê Vũ Hồng Hạnh (SN 1996) vừa quyết định rời phố thị, xung phong lên trường vùng cao TH-THCS Kỳ Thượng (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) để giảng dạy. Mang trong mình sức trẻ, lòng nhiệt huyết, thế nên dù mới tới trường được 3 tuần, nhưng cô giáo Hạnh đã ngay lập tức đem những phương pháp dạy học mới, ứng dụng CNTT vào dạy học. Các tiết dạy của cô khá sôi nổi, có sự tương tác giữa cô và trò, lôi cuốn, thu hút học sinh học tập.
Trường TH-THCS Kỳ Thượng có 54 học sinh nhà xa, phải ăn ở nội trú, nên ngoài các tiết dạy trên lớp, những lúc rảnh rỗi, cô giáo Lê Vũ Hồng Hạnh còn dành thời gian sang khu nội trú, thường xuyên quan tâm, hỏi han về điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập của học sinh. Cô giáo Hạnh chia sẻ: Thời gian đầu tuy có chút bỡ ngỡ, lạ lẫm, song được sự động viên của gia đình, nhà trường, tôi đã làm quen khá nhanh với môi trường dạy học mới và vơi đi nỗi nhớ nhà.
Cô giáo Hoàng Thị Chuyên, dân tộc Tày, dạy tại điểm trường Nà Bắp, Trường Mầm non Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cũng là một trong những tấm gương giáo viên tiêu biểu về sự tận tụy với nghề. Điểm trường Nà Bắp cách điểm trường chính 5km, không có ti vi, wifi, sóng điện thoại yếu, thiếu thốn nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cô giáo Chuyên cho biết: Để tạo không gian học tập vui tươi, thân thiện, tôi cùng đồng nghiệp tích cực cải tạo cảnh quan, vườn hoa, vườn rau, giúp trẻ có thêm trải nghiệm khi đến trường. Đồng thời, dạy trẻ tự làm đồ dùng, đồ chơi là những nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương như vỏ ngao, mắt ốc, quả thông... Nhờ đó, trẻ vừa có thêm đồ chơi, vừa được phát triển tư duy, trí tuệ, thẩm mỹ.
Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục toàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Toàn ngành có trên 21.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Dịp 20/11 năm nay, có 9 nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 1 nhà giáo được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 24 nhà giáo được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 9 nhà giáo được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Tổng số đến nay toàn tỉnh đã có 111 Nhà giáo Ưu tú, 2 Nhà giáo Nhân dân.
Tiếp tục sáng tạo không ngừng nghỉ
Kể từ năm học 2020-2021 đến nay, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành GD&ĐT, học sinh, sinh viên, các thầy, cô giáo phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, vất vả. Song trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ nhà giáo, các nhà trường đều luôn chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ.
Cùng với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy, cô giáo đã phát huy truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của đất mỏ, đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục vượt qua khó khăn, tổ chức thành công cả 2 kỳ thi lớn là thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, đảm bảo an toàn, chất lượng. Sự tận tâm, tận tụy cống hiến của đội ngũ nhà giáo ở các bậc học đã đưa giáo dục Quảng Ninh tiến vượt bậc. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của tỉnh đạt 6,29, xếp thứ 36/63 tỉnh thành, tăng 14 bậc so với năm trước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 97,4%, tăng 1,1% so với năm 2020.
Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng chống dịch hiện nay cũng đang đặt trách nhiệm, áp lực nặng nề hơn đối với mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Phòng đã chỉ đạo mỗi nhà giáo phải tiếp tục sáng tạo các hình thức dạy học, phương thức dạy học phù hợp với trạng thái bình thường mới. Từ đó có những tiết dạy, bài giảng tốt nhất, đáp ứng mong đợi của học trò cũng như phụ huynh và toàn xã hội.
Nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới về GD&ĐT. Đội ngũ cán bộ nhà giáo của tỉnh càng son sắt niềm tin, tiếp tục nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ và tư duy đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển, đổi mới ngành giáo dục theo hướng hiện đại, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, tạo đà để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá, vươn lên tầm cao mới.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()