Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:20 (GMT +7)
Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11(1982-2021) Khâu then chốt đổi mới toàn diện giáo dục
Thứ 7, 20/11/2021 | 07:01:03 [GMT +7] A A
Để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện phát triển GD&ĐT trong tình hình mới, Quảng Ninh xác định nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, phát triển cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm số lượng, cũng như chất lượng.
Một tiết học lịch sử của lớp 6, Trường THPT Dân tộc Nội trú huyện Ba Chẽ không còn nhàm chán, cứng nhắc, mà đã trở nên cuốn hút bởi những phần thảo luận, tự thuyết trình từ chính các học sinh, với những mô hình, video sinh động. Kết quả này là nhờ sự đổi mới phương pháp giảng dạy của cô giáo Linh Thị Trang, giáo viên dạy môn lịch sử của trường.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Linh Thị Trang, chia sẻ: Gắn bó với công tác giảng dạy môn lịch sử được 10 năm, tôi đã tham gia ôn luyện học sinh giỏi thi cấp tỉnh, cấp huyện, bộ môn lịch sử. Để nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do tỉnh, huyện tổ chức, tôi cũng tự tìm tòi và tham gia một số khóa học trực tuyến về những phương pháp, kỹ năng dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh và ứng dụng ngay vào công tác giảng dạy. Tôi đã thiết kế bài học, dựng video, tổ chức các trò chơi cho học sinh trong giờ học để các em có thể tự tìm hiểu kiến thức và phát huy hết năng lực của bản thân, nâng cao chất lượng tiết học.
Được biết, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở Ba Chẽ, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn của huyện đạt 72,47%, trong đó trên chuẩn gần 30%.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ Hoàng Thị Oanh cho biết: Ba Chẽ luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, thực hiện toàn diện từ kiến thức chuyên môn đến tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó, tập trung đổi mới, đa đạng, các hình thức đào tạo như thúc đẩy phong trào tự học đối với cán bộ, giáo viên, tự học để nâng cao trình độ chuẩn và trên chuẩn, cũng như để làm mới mình, bổ sung cái thiếu, cái yếu. Các trường cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, theo khối và theo tổ, nhằm lan tỏa tấm gương, cách làm hay trong giảng dạy. Với phương châm “gieo được hạt giống tốt sẽ có được cây khỏe mạnh”, chúng tôi còn chú trọng tìm nguồn tuyển dụng, thi tuyển đối với cán bộ quản lý và giáo viên. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách, cũng như quy chế thi đua khen thưởng để tạo động lực cho giáo viên và học sinh phấn đấu.
Với các giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn diện của Ba Chẽ ngày càng được nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ học sinh ra lớp ở các bậc học đạt trên 90%. Ba Chẽ là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp cao nhất tỉnh.
Những năm qua, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, luôn được Quảng Ninh quan tâm, chú trọng, xác định là khâu then chốt. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Tính đến năm 2020, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 545 trường (đạt tỷ lệ 85%), tăng 161 trường so với năm 2015. Đồng thời, giữ vững và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3.
Đặc biệt năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2020 (sớm hơn 5 năm so với kế hoạch). Giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực, nhiều học sinh đoạt huy chương tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% (năm 2015) lên 85% (năm 2020), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Hiện nay, trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt ra yêu cầu rất cao về tiêu chí của đội ngũ CBCCVC trong hệ thống giáo dục. Do đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo chủ trương của Đảng: Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt… thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Mỗi thầy, cô giáo đã và đang nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt, sáng tạo các hình thức dạy học, phương thức dạy học phù hợp với trạng thái bình thường mới. Qua đó, góp phần giữ vững thành quả đạt được, nâng cao căn bản chất lượng dạy và học trong toàn ngành giáo dục, phấn đấu đưa Quảng Ninh sớm lọt vào nhóm địa phương đứng đầu về chất lượng GD&ĐT tương xứng với sự phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Trúc Linh
- Quảng Ninh có 7 nhà giáo đạt giải tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021
- Gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo
- Giáo dục nghề nghiệp đổi mới, thu hút HSSV
- Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh gần 300 nhà giáo tiêu biểu
- Giáo dục nghề nghiệp đổi mới, thu hút HSSV
Liên kết website
Ý kiến ()