Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:49 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án
Thứ 5, 01/07/2021 | 08:22:02 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, TAND hai cấp tỉnh đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngày 25/5/2021, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử lưu động 2 vụ án tại huyện Bình Liêu. Đây là các vụ án đầu tiên liên quan đến tội phạm tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn huyện được đưa ra xét xử trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đó là vụ án do Bế Thanh Đức (cùng 4 đồng phạm) phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép"; vụ án do Tằng A Nhì (cùng 5 đồng phạm) phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Tổng hợp hình phạt, các bị cáo bị tuyên phạt trên 30 năm tù. Các vụ án được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân các địa phương biên giới, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Nhật Duật, Chánh Văn phòng TAND tỉnh, cho biết: 6 tháng đầu năm 2021, TAND hai cấp của tỉnh đã giải quyết, xét xử 2538/3963 vụ việc thụ lý. Trong đó, giải quyết án hình sự 682/893 vụ; án hành chính 50/170 vụ; án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại 1806/2906 vụ việc. Các đơn vị hòa giải, đối thoại thành 419 vụ, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự 1.097 vụ; thực hiện 28 phiên tòa trực tuyến, số hóa tài liệu hồ sơ, tổ chức 86 phiên tòa rút kinh nghiệm. Việc triển khai thi hành các đạo luật mới đã được thực hiện hiệu quả, thống nhất.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh trong công tác cải cách tư pháp, TAND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để tạo hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ, như: Nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, chú trọng công tác tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; trang bị hiện đại về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, nghiệp vụ tại các Tòa án.
Nhờ đó, tỷ lệ đối thoại thành trong các vụ án hành chính, hôn nhân gia đình ngày càng cao; đặc biệt qua công tác đối thoại các vụ án hành chính, người khởi kiện có điều kiện tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các cấp UBND để trình bày nguyện vọng. Nhiều vụ án qua công tác đối thoại, người khởi kiện đã rút đơn và đề nghị tòa án đình chỉ xét xử.
TAND tỉnh Quảng Ninh là một trong 3 tòa án được TAND Tối cao áp dụng thí điểm hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; triển khai phần mềm giám sát hoạt động chuyên môn.
Công tác kiểm tra nghiệp vụ tiếp tục được chú trọng nhằm nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ. TAND tỉnh đã lên kế hoạch kiểm tra các mặt công tác trọng tâm đối với 13 tòa án cấp huyện; kiểm tra các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót về chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, những vướng mắc trong áp dụng pháp luật được tổng hợp để hướng dẫn hoặc đề nghị TAND Tối cao hướng dẫn, đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong công tác giải quyết, xét xử của tòa án hai cấp trong tỉnh...
Chất lượng xét xử của TAND hai cấp tỉnh tiếp tục được đảm bảo, không có người bị kết án oan, không bỏ lọt tội phạm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa thấp và giảm so với cùng kỳ; khắc phục triệt để việc tuyên án không rõ, khó thi hành; đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()