Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:30 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng giảng dạy môn xây dựng Đảng tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Thứ 3, 07/11/2023 | 11:08:05 [GMT +7] A A
Xây dựng Đảng là một trong những môn học lý luận chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong việc trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về công tác xây dựng Đảng nói chung và tổ chức cơ sở đảng nói riêng, qua đó, vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại cơ sở, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở đảng và toàn Đảng.
Với ý nghĩa đó, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy môn Xây dựng Đảng, ngày 21/01/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra Quyết định số 292/QĐ-HVCTQG về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở (Hệ Trung cấp lý luận chính trị). Chương trình Trung cấp lý luận chính trị có tổng số 13 môn học, trong đó, Xây dựng Đảng là môn học thuộc phần học thứ III: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Môn học gồm 9 chuyên đề (thời lượng 72 tiết), mỗi chuyên đề là một nội dung cụ thể về công tác xây dựng Đảng tại tổ chức cơ sở đảng bao gồm: Công tác đảng viên, công tác cán bộ, công tác tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát, công tác dân vận…
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình mới, công tác giảng dạy và học tập môn Xây dựng Đảng tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã đảm bảo được nội dung, chương trình, phù hợp đối tượng người học và yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đóng góp một phần đáng kể vào mục tiêu chung trong chương trình đào tạo của Nhà trường.
Để có được những kết quả đáng ghi nhận như trên, đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, luôn nêu cao tinh thần tự giác học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện tại, có 07 giảng viên của Khoa trực tiếp tham gia giảng dạy môn Xây dựng Đảng. Trong đó, 100% giảng viên đều có trình độ thạc sỹ chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước và các chuyên ngành liền kề, có 01 giảng viên đang học nghiên cứu sinh; 100% có trình độ Cao cấp Lý luận chính trị; 100% tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đã được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực, nghiệp vụ sư phạm. Hàng năm, các giảng viên được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác xây dựng Đảng do Trung ương, tỉnh tổ chức. Với trình độ, năng lực như trên, đội ngũ giảng viên giảng dạy môn Xây dựng Đảng đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo uy tín, thương hiệu của nhà trường.
Đồng thời, để đảm bảo phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn” trong giảng dạy môn Xây dựng Đảng, mỗi giảng viên thường xuyên cập nhật những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt các nghị quyết, quy định, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng vào nội dung bài giảng.
Ví dụ, trong quá trình giảng dạy chuyên đề "Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng", giảng viên có thể nêu lên các nội dung, các điều trong Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về “Kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm” để làm căn cứ cho việc phân tích làm rõ các phần, mục như: Nội dung công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng; Vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng; Thực trạng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Lồng ghép những điểm mới trong Quy định số 124-QĐ/TW ngày 04/10/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị” vào giảng về nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại đảng viên, chuyên đề "Công tác đảng viên của tổ chức cơ sở đảng". Lồng ghép Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” vào giảng dạy chuyên đề "Công tác cán bộ của tổ chức cơ sở đảng"...
Bên cạnh việc lồng ghép các nghị quyết, quy định, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng vào nội dung bài giảng thì việc thường xuyên tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là một yêu cầu và nhiệm vụ rất quan trọng trong giảng dạy môn Xây dựng Đảng. Điều đó không chỉ tiếp tục khẳng định, lan tỏa những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn góp phần bồi dưỡng thế giới quan cách mạng và phương pháp tư duy khoa học cho học viên. Nhận thức rõ điều đó, trong quá trình giảng dạy môn Xây dựng Đảng, mỗi giảng viên sẽ căn cứ vào nội dung bài giảng mà khéo léo lồng ghép những kỹ năng, kiến thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Xây dựng Đảng, mỗi giảng viên không ngừng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “lấy người học là trung tâm”, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thuyết trình với sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực như hỏi đáp, thảo luận nhóm, tình huống, nêu ý kiến ghi lên bảng, sàng lọc, lấy ý kiến chuyên gia… Việc sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực là cần thiết, giúp cho việc giảng dạy lý luận chính trị sinh động, phong phú hơn, hiệu quả cao hơn và tránh một chiều, áp đặt; mặt khác phát huy tính năng động, tích cực, sáng tạo của học viên.
Như vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Xây dựng Đảng đòi hỏi mỗi giảng viên cần phải có sự nỗ lực, cố gắng cao, tâm huyết, trách nhiệm. Với tinh thần đó, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, các giảng viên sẽ giảng dạy tốt, có những bài giảng chất lượng, khẳng định được “tầm” của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.
Nguyễn Thị Nhị (Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()