Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 15:47 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế tuyến xã
Thứ 3, 30/11/2021 | 07:56:13 [GMT +7] A A
Là cơ sở y tế gần dân nhất nên các trạm y tế có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân ở tuyến cơ sở. Xác định rõ điều đó, nhiều năm nay, tỉnh, các địa phương luôn quan tâm, đầu tư về nhân lực, trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến xã
Theo quy định chung, trạm y tế xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông, giáo dục sức khoẻ...
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh có 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Để thuận lợi cho việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới các trạm y tế, đầu tư thiết bị y tế... đồng thời thực hiện Đề án 25, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3765/QĐ-UBND chuyển các trạm y tế tuyến xã từ trực thuộc trung tâm y tế, Sở Y tế về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý từ ngày 1/1/2017.
Dựa vào tình hình thực tế tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, 177 trạm y tế này quản lý theo 3 mô hình, cụ thể: Có 49 trạm y tế thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của trạm y tế theo quy định; áp dụng đối với các xã ở xa các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, địa bàn chia cắt và giao thông khó khăn; nhu cầu khám chữa bệnh, khám quản lý thai nghén, sinh đẻ... tại trạm y tế của người dân còn cao. Có 56 trạm không thực hiện đỡ đẻ thường tại Trạm; duy trì thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn lại theo quy định.
72 trạm còn lại không thực hiện đỡ đẻ thường và không thực hiện khám chữa bệnh thông thường theo phân tuyến kỹ thuật tại Trạm; duy trì thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn lại theo quy định; tăng cường nhiệm vụ “tham gia quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn...”. Áp dụng đối với các xã, phường, thị trấn ở gần các cơ sở y tế tuyến huyện/tỉnh.
Trên cơ sở mô hình đó, nhiều trạm y tế trên địa bàn đã được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp thường xuyên về cơ sở vật chất, đáp ứng nhiệm vụ đề ra. Hiện nay, cả 177 trạm đều có đầy đủ hộp vận chuyển bệnh phẩm, tủ đựng vắc xin chuyên dụng, nồi hấp tiệt trùng và nhiều thiết bị y tế khác. Các trạm đều có hệ thống xử lý nước thải y tế; chất thải y tế đều được thu gom, ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển, xử lý theo quy định.
72 trạm y tế không thực hiện chức năng đỡ đẻ, khám, chữa bệnh tại trạm còn được tăng cường thêm các test nhanh phục cụ kiểm tra về ATTP... Còn với 105 trạm y tế thực hiện chức năng khám, chữa bệnh tại trạm đều thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, có đầy đủ các thiết bị cơ bản theo quy định của Bộ Y tế như: Máy đo đường huyết cá nhân, huyết áp kế, ống nghe, bộ khám ngũ quan, bộ thử thị lực, máy khí dung, bình ô xy, bóp bóng cấp cứu, bộ nẹp chân, tay, bộ dụng cụ tiểu phẫu, bàn tiểu phẫu, bộ dụng cụ nhổ răng sữa, máy điện châm v.v.. Trong 105 trạm này, có 49 trạm thực hiện chức năng đỡ đẻ tại trạm được trang bị đầy đủ dụng cụ phục vụ sản, kế hoạch hóa gia đình như: Máy Doppler tim thai, bàn đẻ và làm thủ thuật, bàn khám sản khoa, bàn chăm sóc trẻ sơ sinh, dụng cụ khám thai, bộ hồi sức trẻ sơ sinh...
Để đào tạo nhân lực cho y tế tuyến xã, ngoài cử cán bộ, nhân viên y tế đi học tập, tập huấn thường xuyên, các địa phương cũng đào tạo nguồn bác sĩ tuyến xã theo hình thức đào tạo liên thông hoặc cử tuyển. Hiện nay, trong 177 trạm y tế tuyến xã thì có 149 trạm có bác sĩ.
Với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thời gian qua, hệ thống y tế tuyến xã đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; việc giám sát, khoanh vùng dập dịch, nhất là dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời. Các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, chân tay miệng đều được khoanh vùng, xử lý nhanh chóng. Tỷ lệ tiêm đủ 8 mũi cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 95%.
Chỉ trong 9 tháng năm 2021, có 98,7% trẻ 6-36 tháng tuổi uống vitamin đợt 1; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ đạt 89%; tỷ lệ phụ nữ đẻ có cán bộ có kỹ năng đỡ đạt 99,83%; 55% bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh tại nhà; công tác y tế trường học, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục truyền thông sức khỏe... được thực hiện tốt.
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được các trạm y tế tuyến xã triển khai thực hiện có hiệu quả, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì ổn định mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...
Mặc dù vậy, vấn đề nhân lực bác sĩ y tế tuyến xã hiện nay cũng rất đáng để quan tâm bởi theo thống kê của ngành Y tế, giai đoạn 2021-2025 sẽ có 40 bác sĩ tuyến xã nghỉ hưu. Trong khi đó, việc đào tạo bác sĩ theo hình thức cử tuyển cũng hạn chế do chất lượng đầu vào thấp, việc tuyển bác sĩ chính quy ra trường về công tác tuyến xã vô cùng khó khăn. Bởi vậy, việc đầu tư cho y tế tuyến xã, nhất là đầu tư về nhân lực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ cơ sở cần tiếp tục được quan tâm.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()