Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:23 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS
Thứ 3, 22/03/2022 | 13:34:46 [GMT +7] A A
Để phát triển KT-XH bền vững ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi trên địa bàn, nhiều năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này.
Trước hết, tỉnh tập trung mạnh cho công tác phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, miền núi. Các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng phương án thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ, qua đó tập trung nâng cấp cơ sở vật chất các điểm trường tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS trên địa bàn. Tỉnh đã phân bổ kinh phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục trường học còn thiếu, chưa đảm bảo để trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định.
Riêng năm 2021, Sở GD&ĐT nâng cấp công trình, hạng mục cho 5 trường học với tổng kinh phí khoảng 230 tỷ đồng. Năm 2022, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho Trường THCS&THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà) với tổng mức đầu tư 41,76 tỷ đồng. Tỉnh còn chỉ đạo rà soát, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các trường cấp THPT tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, hệ thống các trường dân tộc nội trú cũng được tỉnh quan tâm, đầu tư. UBND tỉnh đã thành lập Tổ xây dựng đề án của tỉnh về phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, để xây dựng, hoàn thiện đề án, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn vùng DTTS đều được các ngành, địa phương thực hiện tốt. Năm 2021, 10.187 học sinh, trẻ em được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng, 1.410 học sinh được hỗ trợ tiền ở với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng, 3.387 học sinh được hỗ trợ khoảng 460 tấn gạo, 3.500 học sinh được miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập... Qua đó đã động viên kịp thời để trẻ em vùng DTTS, miền núi đi học đúng độ tuổi.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh vùng DTTS, miền núi trước các kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn được các ngành liên quan, địa phương chú trọng. Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tỉnh Đoàn tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại huyện Tiên Yên và Trường Dân tộc nội trú tỉnh, với sự tham gia của hơn 1.000 phụ huynh, học sinh.
Cùng với đó, tỉnh và các địa phương còn thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng DTTS, miền núi, biên giới. Năm 2021 trong số 1.850 người được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 420 trường hợp là người DTTS. Các địa phương cũng tổ chức 21 hội nghị tập huấn cung cấp kiến thức vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động... cho hơn 1.500 cán bộ, người dân vùng DTTS, miền núi. Trong các chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh đều có chính sách dành cho học sinh, lao động vùng DTTS, miền núi.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC công tác tại vùng DTTS, miền núi trên địa bàn. Trong năm 2020 và đến hết tháng 6/2021, đã có 13.025 CBCCVC được hỗ trợ theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với CBCCVC-NLĐ và người hưởng lương trong LLVT công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, với kinh phí chi trả là 133,16 tỷ đồng. Hiện Quảng Ninh không còn các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, trên cơ sở các quy định hiện hành, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết theo từng giai đoạn, quy định về số lượng, mức phụ cấp phù hợp với CBCCVC ở xã, thôn, bản vùng DTTS.
Cùng với đó, tỉnh cũng tiếp tục thực hiện Đề án phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 143 CBCC người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh; 677 CBCC người DTTS tham gia vào cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã; 2.859 viên chức là người DTTS tham gia vào các cơ quan đơn vị sự nghiệp. Năm 2021, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt CBCCVC người DTTS được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước...
Sự quan tâm, đầu tư của tỉnh và các địa phương đối với nguồn nhân lực vùng DTTS, miền núi trên địa bàn tiếp tục là một trong các biện pháp bền vững để xóa dần khoảng cách về phát triển KT-XH giữa vùng DTTS với các khu vực khác trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()