Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:56 (GMT +7)
Nâng cao đời sống văn hóa vùng dân tộc thiểu số
Chủ nhật, 16/01/2022 | 08:06:16 [GMT +7] A A
Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Song song với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Chuyển biến tích cực
Là địa phương có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song vài năm trở lại đây, Bình Liêu đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch bốn phương. Kết quả đó có được chính là nhờ địa phương đã từng bước khai thác phát huy hiệu quả những bản sắc văn hóa dân tộc riêng có, độc đáo.
Đồng chí Hoàng Huy Trọng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian qua, Bình Liêu tập trung khôi phục, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống cũng như các ngày hội mới như Hội hoa sở, Hội mùa vàng... thu hút sự hưởng ứng tham gia đông đảo của nhân dân. Qua đây, vừa tạo sân chơi, môi trường sinh hoạt, giao lưu văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vừa góp phần thiết thực gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa địa phương.
Không chỉ riêng Bình Liêu, những năm qua, việc triển khai các chính sách về lĩnh vực văn hóa, con người xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, phục dựng các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống các tộc người thiểu số, các lễ hội truyền thống gắn với các di tích lịch sử, văn hóa; bố trí nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái gắn với vùng dân tộc thiểu số...
Tính riêng trong 3 năm từ 2018-2020, thông qua Chương trình 135, Đề án 196, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 57 nhà văn hóa thôn, bản với tổng vốn 60,086 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nâng cấp 21 trường học với tổng vốn 114,202 tỷ đồng, hỗ trợ sản xuất cho 5.294 hộ gia đình với tổng vốn 71,444 tỷ đồng... Hệ thống thiết chế văn hóa vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, đầu tư xây dựng với 100% các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên toàn tỉnh có nhà văn hóa, 50% các xã có nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao đơn giản. Từ đây, tạo những chuyển biến căn bản trong đời sống kinh tế - xã hội, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và thụ hưởng các thành quả phát triển văn hóa cũng như phát huy trách nhiệm trong thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, việc xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được tích cực triển khai. UBND tỉnh đã hoạch định xây dựng 4 làng dân tộc, đó là: Làng người Dao Thanh Y ở Hải Sơn (Móng Cái), Làng người Tày ở Lục Hồn (Bình Liêu), Làng người Sán Dìu ở Bình Dân (Vân Đồn) và làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở xã Húc Động (Bình Liêu). Đồng thời, đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao gắn với phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ”; Đề cương Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
Cùng với đó, các phong trào thi đua “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa lan tỏa mạnh mẽ đã cổ vũ, khuyến khích, thay đổi nhận thức của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, tiến bộ.
Những kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới
Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với nguồn kinh phí dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng, cùng nhiều chính sách đặc thù khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh... Trong các mục tiêu đề ra, việc đầu tư phát triển văn hóa con người cho các khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được xác định là một nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các đề án gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Đề án “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”; Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”...
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; duy trì tổ chức ngày hội văn hoá - thể thao các cấp; tăng nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền... Qua đó, từng bước xây dựng địa bàn biên giới, hải đảo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành các điểm sáng văn hóa, là địa chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc.
Với những định hướng, mục tiêu cụ thể, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện công tác dân tộc, tin tưởng, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh nói chung sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ.
Nguyễn Dung
- Bình Liêu: Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên dân tộc thiểu số
- Hỗ trợ dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông
- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số
- Du lịch vùng dân tộc thiểu số – cần thêm những “cú hích”
- Ưu tiên nguồn lực cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số
- Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số
- Xây dựng các làng dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()