Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:39 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch
Thứ 2, 11/04/2022 | 13:36:25 [GMT +7] A A
Với mong muốn khôi phục nhanh, đảm bảo chất lượng, thu hút được nhiều du khách, thời điểm này, TP Hạ Long đang tập trung thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trong 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động lành nghề trong lĩnh vực du lịch đã bỏ việc, doanh nghiệp chỉ duy trì nhân sự làm giãn công từ 8-15 ngày/tháng, mức lương trung bình rất thấp, từ 1,5-4,5 triệu đồng/tháng (bao gồm bảo hiểm), không đảm bảo đời sống. Thậm chí, thời điểm dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động. Đội ngũ lao động lành nghề phải tìm kiếm công việc mới tại các nhà máy, khu công nghiệp để đảm bảo cuộc sống.
Nếu tính thời điểm trước khi dịch bùng phát (năm 2019), du lịch Hạ Long có khoảng 25.000 nhân lực trực tiếp và gián tiếp thì đến tháng 9/2021, số lượng lao động giảm mạnh, chỉ còn khoảng 2.000 lao động làm việc thường xuyên và làm việc theo hình thức giãn việc nghỉ luân phiên. Chính vì vậy, ngay khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3, các đơn vị đã nhanh chóng khôi phục lực lượng, tăng cường tuyển dụng và đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực cũng như chất lượng dịch vụ.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Phó Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Ha Long Centre Hotel, chia sẻ: Sau 2 năm đại dịch, nhân sự của khách sạn đã thay đổi khá nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ lại được những nhân viên chủ chốt, duy trì và đảm bảo chất lượng để mang đến dịch vụ tốt nhất cho du khách. Khi mở cửa du lịch trở lại, nhất là chuẩn bị vào dịp cao điểm mùa hè, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển thêm và đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao theo hướng nghiệp vụ từng bộ phận, đào tạo 1-1, đào tạo chéo. Chúng tôi cũng ưu tiên lựa chọn những sinh viên được đào tạo qua chuyên ngành du lịch để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách sạn và chất lượng dịch vụ.
Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các cơ sở đào tạo cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng tuyển dụng để chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối, cung ứng học viên, sinh viên làm việc tại doanh nghiệp. Tiến sĩ Vũ Văn Viện, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long, chia sẻ: Nhà trường đã hợp tác, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tiếp nhận, hướng dẫn sinh viên thực tập.Từ đó, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thực tế, bổ sung kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và cơ hội về việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, Trường Đại học Hạ Long đã ký kết hợp tác với 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như: Sun Group, Vingroup, FLC Hạ Long, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn Hạ Long... Từ đó, cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Về lâu dài, theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020, định hướng tới năm 2030, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực kinh tế then chốt của tỉnh, trong đó có ngành du lịch. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng ngành du lịch trên địa bàn TP Hạ Long. Từ đó, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo.
Theo ông Vũ Mạc Hà, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long: Thành phố sẽ chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ngành du lịch tuyển dụng lao động qua hệ thống sàn giao dịch việc làm định kỳ; kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ để đặt hàng theo yêu cầu nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, kĩ năng nghề. Bên cạnh đó, tăng cường chiêu sinh thu hút sinh viên trong và ngoài tỉnh; bố trí sinh viên du lịch thực tập tại các doanh nghiệp du lịch vào mùa vụ du lịch; xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho lao động làm việc trong lĩnh vực này... Đồng thời, phối hợp với cơ sở kinh doanh trong việc tuyển dụng lao động; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành du lịch.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()