Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:26 (GMT +7)
Đông Triều Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thị trường lao động
Thứ 2, 11/12/2023 | 10:14:03 [GMT +7] A A
Một trong mục tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU của Thị ủy Đông Triều và Đề án phát triển GD&ĐT thị xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo là trên 90%, tỷ lệ lao động được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề trên 52%.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, thị xã đã đạt một số kết quả tích cực trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Thị xã ưu tiên hàng đầu triển khai quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh các khóa học bồi dưỡng nâng cao chuyên môn về nghiệp vụ, ngành GD&ĐT thị xã phối hợp với Trường Đại học Hạ Long mở lớp đào tạo, nâng chuẩn trình độ cho cán bộ, giáo viên các đơn vị trường học trong toàn thị xã.
Thị xã chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX thị xã tăng cường hoạt động liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh đào tạo hệ trung cấp nghề cho các học viên, vừa học văn hoá THPT, vừa học nghề. Các ngành nghề lựa chọn phù hợp với nhu cầu thị trường lao động địa phương và ngành nghề thu hút của tỉnh, như: Kỹ thuật chế biến món ăn và phục vụ; Điện Công nghiệp; Công nghệ thông tin; Điện tử công nghiệp; Kinh doanh thương mại và dịch vụ; Hàn; Nghiệp vụ lễ tân; Chăm sóc sắc đẹp.
Theo ông Thái Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã, nhà trường không ngừng đổi mới công tác tuyển sinh; đào tạo những ngành nghề mà doanh nghiệp đang cần; chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho người học sau tốt nghiệp; đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo nghề cho xã hội. Thời gian tới, Trung tâm phấn đấu mở rộng ngành nghề đào tạo, như may thời trang, ngoại ngữ (tiếng Trung), phù hợp với thị trường lao động của các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc đầu tư trên địa bàn.
Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm Trung tâm có khoảng 300 học viên tốt nghiệp hệ trung cấp nghề, đều được giới thiệu việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng trong thị xã; được các trường liên kết, Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn giới thiệu việc làm, cơ bản phù hợp với ngành nghề đào tạo; đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ 1-2 lớp, mỗi lớp từ 35-70 học viên. Toàn thị xã đào tạo nghề nông thôn mỗi năm 5-7 lớp.
Để đáp ứng yêu cầu giáo dục nghề nghiệp, hằng năm Trung tâm tham mưu với các địa phương từng bước đầu tư trang thiết bị giảng dạy, thực hành hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng mô hình trường học thông minh, số hóa các giáo trình; mở rộng mô hình đào tạo phối hợp “nhà trường - doanh nghiệp”…
Đến nay, số lao động đã qua đào tạo trên địa bàn thị xã đạt 86,2%, lao động có chứng chỉ nghề trở lên đạt 66% (vượt mục tiêu của Nghị quyết). Tuy nhiên, công tác giáo dục hướng nghiệp đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Thái Duy Hưng chia sẻ: Cái khó nhất của Trung tâm cũng như công tác giáo dục hướng nghiệp hiện nay là thiếu trang thiết bị dạy học hiện đại. Trung tâm phải linh hoạt đào tạo tại chỗ ở các doanh nghiệp hoặc phối hợp với các trường cao đẳng nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã chưa nhiều, nên việc chọn ngành nghề đào tạo điển hình cũng rất khó. Đề nghị các phòng, ban chức năng thị xã cần tạo cơ hội, phối hợp làm trung gian giúp Trung tâm tiếp cận với các doanh nghiệp trên địa bàn, mở rộng mối quan hệ trong công tác phối hợp đào tạo. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo đào tạo nghề thị xã, thành phần gồm lãnh đạo thị xã, các phòng, ban liên quan và doanh nghiệp, để công tác giáo dục nghề nghiệp được hiệu quả, thuận lợi hơn.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()