Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:21 (GMT +7)
Nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp
Thứ 3, 31/05/2022 | 08:56:58 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ học sinh bậc THPT trong việc định hướng học tập, lựa chọn ngành nghề, chọn môi trường đào tạo phù hợp với điều kiện, nguyện vọng chính đáng. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn mới.
Tuyển sinh, hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng
Trong đời sống, không hề hiếm gặp những bạn trẻ với câu chuyện trăn trở về mục tiêu học tập, định hướng nghề nghiệp sau khi đã tốt nghiệp THPT. Có những em đã lựa chọn một trường đại học, cao đẳng theo định hướng của gia đình thay vì nguyện vọng, năng lực của bản thân. Chỉ khi nhận thấy chất lượng, hiệu quả học tập không bằng các sinh viên chọn đúng ngành, số người quyết định bỏ học sau một thời gian ngắn để thi lại vào một ngành khác trong các mùa tuyển sinh năm sau không phải cá biệt. Thậm chí khi thi lại mà không đậu, diễn biến câu chuyện càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Lại cũng không ít trường hợp khác vẫn cố gắng cầm cự, học theo kiểu đối phó, nhưng không có sự hứng thú, chuyên tâm thì sẽ khó đảm bảo được chất lượng. Cho đến khi tốt nghiệp, nếu làm đúng với ngành nghề được đào tạo, nhưng vẫn không đúng với sở thích, sở trường thì năng lực bản thân không được phát huy, dễ có tâm lý chán nản, buông xuôi, nhất là với những công việc đặc thù, đòi hỏi người nào thật sự yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài. Ngược lại, khi đã có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng sau đó lại làm công việc trái với ngành nghề được đào tạo, thì xem như toàn bộ kinh phí, thời gian, sức lực trong suốt 4-5 năm học tập đều uổng phí...
Có thể khẳng định, việc có định hướng cụ thể, từ sớm về ngành học, nghề nghiệp phù hợp sẽ có tác động không nhỏ đến tương lai của nhiều bạn trẻ. Qua đó, các em học sinh bậc THPT và gia đình được đồng hành, hỗ trợ thiết thực trong việc xác định ngành nghề phù hợp, lựa chọn môi trường đào tạo đáp ứng được điều kiện, nguyện vọng chính đáng. Sự phù hợp cần được cân nhắc trên các yếu tố như: Sở thích, năng lực, hoàn cảnh sống của bản thân; có hiểu biết đầy đủ về yêu cầu, môi trường, tính chất của nghề nghiệp; nhu cầu của xã hội...
Khi sớm có mục tiêu phấn đấu cụ thể, các em sẽ chủ động hơn để chuẩn bị chu đáo về tâm lý và kiến thức, các gia đình cũng có cơ sở để ủng hộ, hỗ trợ sự lựa chọn của con em mình. Từ lý do này, công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm trong những năm qua, liên tục có sự đổi mới cả về nội dung, hình thức. Đây cũng là yếu tố quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Ngày hội tư vấn tuyển sinh, GDNN do Sở LĐ-TB&XH và Tỉnh Đoàn phối hợp triển khai những năm qua là một trong những giải pháp khá hiệu quả. Đây là dịp để các em học sinh được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp cùng các chuyên gia giáo dục, đại diện các cơ sở GDNN của tỉnh để được cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống về sự phát triển của thị trường lao động, sự đa dạng của các môi trường đào tạo tại địa phương.
Hiện nay, hầu hết thông tin của các ngành đào tạo đều được các nhà trường đăng tải khá chi tiết trên các website chính quy của đơn vị mình. Tuy nhiên, sự hướng dẫn, tư vấn trực tiếp là không thể thiếu để các em học sinh sàng lọc ra nguồn thông tin đáng tin cậy nhất, có những hiểu biết và động lực bước đầu về ngành học, chỉ tiêu đầu vào, nội dung chương trình đào tạo, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp... Đặc biệt là những chính sách của Nhà nước, của tỉnh về GDNN, những ưu đãi về tuyển dụng lao động có tay nghề ngay tại địa phương.
Dù là một sự kiện diễn ra thường niên, ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp vẫn luôn có sự đổi mới qua mỗi lần tổ chức. Tại ngày hội năm 2022 được tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên địa điểm tổ chức đã bao gồm cả địa bàn huyện vùng cao Ba Chẽ thay vì chỉ tập trung tại các trung tâm đô thị lớn của tỉnh như Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí như những năm trước.
Bên cạnh các hoạt động chính gồm tọa đàm, hỏi đáp với các chuyên gia, các gian hàng tư vấn ngành học, trưng bày sản phẩm nghiên cứu... ngày hội năm nay còn dành quỹ thời gian để sinh viên các cơ sở đào tạo được trình diễn kỹ năng nghề, người lao động các đơn vị chia sẻ về trải nghiệm công việc của bản thân. Qua đó truyền lửa các nhiệt huyết, đam mê về nghề nghiệp tới các bạn trẻ. Cũng trong dịp này, các đơn vị doanh nghiệp tại địa phương cũng tham gia giới thiệu, quảng bá, thu hút nhân lực để tạo nguồn lao động qua đào tạo chất lượng cao cho tương lai gần, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Chiến lược lâu dài, đồng bộ
Từ năm 2018, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Với mục tiêu lấy học sinh là trung tâm của ngành giáo dục Quảng Ninh, các em được quan tâm, hỗ trợ sâu sát để có đủ hành trang khi quyết định hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, các nhà trường tích cực đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào chương trình học từ lớp 9 đến 12, với thời lượng 9 tiết/năm học. Riêng hoạt động giáo dục nghề phổ thông thực hiện đối với học sinh lớp 11, thời lượng là khoảng 105 tiết/năm học.
Tùy theo điều kiện cụ thể, một số nhà trường còn chủ động xây dựng các chương trình ngoại khoá về nội dung hướng nghiệp cho học sinh; tham quan thực tế về công tác đào tạo, cơ sở vật chất tại một số trường đại học, cao đẳng... Từ đó, các em có kế hoạch, định hướng từ sớm, phù hợp để phấn đấu dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với đúng nguyện vọng và sở trường, đáp ứng thị trường lao động. Các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên...
Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN được quan tâm, chú trọng. Đội ngũ giảng viên của các cơ sở ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của phát triển GDNN nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở GDNN, bao gồm 7 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN-GDTX, 2 trường đại học và 20 đơn vị sự nghiệp. Trong đó, số nhà giáo đạt chuẩn khối các trường cao đẳng đạt gần 98,2%, tại các trường trung cấp đạt 95,7%, khối trung tâm GDNN-GDTX đạt gần 87,2%, khối trường đại học có hoạt động GDNN đạt gần 91,5%.
Hình thức đào tạo cũng luôn được quan tâm, phối hợp điều chỉnh để ngày càng gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, bắt kịp xu hướng nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, đặc biệt là các ngành nghề có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, các chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh qua các năm đều tăng.
Ngày 28/1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó nhằm hướng tới mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân; đặc biệt là yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 87,5%; có ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia...
Đến năm đến năm 2030, tỉnh phấn đầu thu hút từ 50% - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; có ít nhất 2 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 20 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có từ 10- 15 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4...
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, tỉnh đã xác định phải tập trung vào các giải pháp đột phá, gồm đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Đồng thời phải phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN. Trong đó, ngành LĐ-TB&XH có vai trò chủ trì triển khai thực hiện, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương để cụ thể hóa thành các chương trình, dự án, nhiệm vụ theo giai đoạn mỗi 5 năm và trong từng năm. Sở GD&ĐT chủ trì việc tham mưu cho tỉnh để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN. Đồng thời tăng cường hỗ trợ công tác liên thông giữa GDNN với các bậc học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Công tác truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN cũng được chú trọng, cụ thể hóa bằng các giải pháp như: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, đầy đủ, phù hợp tới từng nhóm đối tượng về công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề; tổ chức các chương trình, sự kiện tôn vinh các lao động có kỹ năng, người dạy nghề nhiều thành tích; khuyến khích các mô hình sáng tạo, khởi nghiệp thành công nhờ GDNN...
Những giải pháp đột phá, chỉ đạo sát sao của tỉnh nâng cao chất lượng công tác tư vấn hướng nghiệp cũng chính là góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Hết năm 2021, tổng số nhà giáo cơ hữu và tham gia đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.818 người. Trong đó bao gồm: 60,62% nhà giáo thuộc các trường cao đẳng; 5,12% nhà giáo thuộc các trường trung cấp; 4,29% nhà giáo thuộc các Trung tâm GDNN - GDTX; 16,12% nhà giáo thuộc các trường Đại học; 13,86% nhà giáo công tác tại các cơ sở đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN.
- Năm 2022, chỉ tiêu đào tạo nghề của tỉnh là: Tuyển sinh đào tạo 38.500 người; trong đó, trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp 6.500, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 32.000. Mục tiêu đặt ra: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 85,85%, trong đó tỉ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%.
Theo Sở LĐ-TB&XH
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()