Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:35 (GMT +7)
Giúp đồng bào DTTS "giảm nghèo" về pháp luật
Thứ 5, 24/11/2022 | 10:36:20 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn Quảng Ninh hướng mạnh về những cơ sở vùng khó, cùng với các kênh khác tác động khá hiệu quả, từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp họ tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý; đảm bảo quyền lợi chính đáng của người được trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Qua đó, góp phần bảo đảm pháp luật, tạo sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Đưa kiến thức pháp luật về cơ sở
Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu có 96% người dân là đồng bào DTTS. Nhiều thôn, bản của huyện còn khó khăn, trình độ nhận thức và tiếp cận pháp luật của đồng bào cũng còn nhiều hạn chế. Đa số bà con không nắm vững được hết quyền, lợi ích, trách nhiệm của mình trong các quan hệ pháp luật.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con nhân dân, hằng năm huyện Bình Liêu đã tích cực phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp), Đoàn Luật sư tỉnh, để thực hiện tuyên truyền, vận động và trợ giúp pháp lý cho người dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình, luật hình sự, luật dân sự thông qua các buổi tuyên truyền lưu động, giúp người dân trang bị thêm kiến thức pháp luật để có những ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ pháp luật và đời sống hằng ngày.
Bà Tô Thị Nguyên, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Liêu, cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức 5 cuộc trợ giúp pháp lý cho khoảng 500 lượt người. Việc tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật đã giúp đưa chính sách trợ giúp pháp lý đến gần với đồng bào hơn, giúp họ được tiếp cận với chính sách trợ giúp pháp lý; đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm hiểu thông tin pháp luật để tăng khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các quan hệ xã hội.
Ông Hà Đức Đại (thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cho biết: Dịp đầu năm, gia đình tôi muốn chia đất cho con trai để xây dựng gia đình và phát triển kinh tế, nhưng chưa biết cách phải làm như thế nào. Khi biết thông tin có cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước về xã để trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, tôi đã đăng ký tham gia và được cán bộ thông tin các quy định của pháp luật về đất đai, điều kiện để tách thửa và tư vấn về quy trình tách thửa đất của gia đình. Sau khi nắm rõ quy trình, thấy gia đình đủ điều kiện, hiện tôi đang chuẩn bị giấy tờ cần thiết nộp tại Trung tâm Hành chính công của huyện để sớm làm thủ tục tách thửa cho con trai.
Không chỉ ở huyện Bình Liêu, thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào DTTS. Chỉ tính riêng năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã tổ chức thành công hội nghị trợ giúp pháp lý tại 12 xã thuộc các huyện: Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ. Tại các hội nghị đã phổ biến, giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý; Bộ luật Dân sự; Luật Trẻ em và một số quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân cho nhân dân tại các địa phương. Đồng thời, phát miễn phí hơn 1.700 sổ tay trợ giúp pháp lý và hơn 6.000 tờ gấp pháp luật với nội dung một số quy định về kết hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; một số quy định về tội phạm trong Bộ luật Hình sự; năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân...
Ngoài tập trung vào tuyên truyền, trợ giúp pháp lý miễn phí theo hình thức hội nghị lưu động, để bảo vệ người nghèo và đối tượng chính sách, người yếu thế trong các vụ án, cũng như nâng cao nhận thức về pháp luật cho các đối tượng này, thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cũng được đẩy mạnh. Theo thống kê, 10 tháng năm 2022, số lượng vụ việc tham gia tố tụng mà Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thụ lý là 138 vụ. Trong đó, tư vấn 5 vụ việc, tham gia tố tụng để bào chữa 95 vụ việc; tham gia tố tụng bảo vệ 36 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 2 vụ việc, chủ yếu thuộc lĩnh vực pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình.
Nhiều vụ việc tố tụng, thông qua sự vào cuộc sớm, tích cực của đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đã giúp các đương sự là người yếu thế giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự. Đồng thời nâng cao tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Đơn cử như cuối năm 2021, bị cáo Nguyễn Công Nghĩa (SN 2004) tạm trú tại thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) bị Viện KSND huyện Bình Liêu truy tố về tội gây rối trật tự công cộng. Áp dụng theo điểm b, khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự, Viện KSND huyện Bình Liêu đề nghị xử phạt bị cáo Nghĩa bị từ 3 tháng đến 2 năm tù. Do bị cáo Nghĩa là đối tượng được trợ giúp pháp lý, nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã tiếp nhận vụ việc, cử luật sư, trợ giúp viên tham gia bào chữa cho bị cáo.
Qua xét xử và tranh luận, bào chữa, bảo vệ của luật sư, trợ giúp viên tại tòa, cũng như xem xét các tình tiết giảm nhẹ, TAND huyện Bình Liêu đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nghĩa 18 tháng tù giam. Vụ án nhờ có công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, nên phán quyết bảo đảm hợp tình, hợp lý, có sức thuyết phục cả với bị cáo, bị hại và tác dụng giáo dục cộng đồng rất cao.
Bà Vũ Thị Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp), cho biết: Thời gian qua, các hoạt động trợ giúp pháp lý như truyền thông về trợ giúp pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, hội nghị trợ giúp pháp lý tại cơ sở... đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào DTTS, nhất là đồng bào DTTS cư trú tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhờ được tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng miễn phí đã giúp đồng bào DTTS bảo vệ được quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, thông qua hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật của người thực hiện trợ giúp pháp lý, đã giúp đồng bào DTTS lựa chọn cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.
Nối dài chính sách trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS
Sau khi thực hiện hiệu quả của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, hiện nay tỉnh Quảng Ninh không còn xã đặc biệt khó khăn; chỉ còn 12 thôn có điều kiện KT-XH khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người DTTS phải “cư trú tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn” mới được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí. Như vậy, nhiều người DTTS cư trú ngoài 12 thôn có điều kiện KT-XH khó khăn sẽ không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý nữa.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đồng bào DTTS cư trú tại các xã, thôn, bản thuộc vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh là 126.860 người (chiếm tỷ lệ 58,45% dân số là người DTTS trong toàn tỉnh). Trong đó, ước tính số lượng người DTTS thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là 49.416 người, chỉ chiếm tỷ lệ 39% số người DTTS cư trú tại vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Như vậy, còn 61% người DTTS không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí.
Thực tiễn cho thấy trình độ dân trí tại vùng DTTS, miền núi, biên giới, hảo đảo còn thấp so với mặt bằng chung cả tỉnh. Đây là nơi tập trung nhiều hộ nghèo, thoát nghèo chưa bền vững, điều kiện giao thông đi lại hạn chế, dịch vụ pháp lý chưa phát triển, trong khi người DTTS cư trú tại những vùng này chưa có trình độ hiểu biết pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trong các vụ việc tranh chấp pháp luật, chưa có thói quen sử dụng pháp luật trong cuộc sống hằng ngày. Khi có nhu cầu phát sinh liên quan đến pháp luật, họ không tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, điều đó tạo ra sự bất bình đẳng của người dân trong việc sử dụng chính sách, pháp luật để bảo vệ mình.
Nhằm tiếp tục giúp đồng bào DTTS được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí; đồng thời nâng cao hơn nữa hiểu biết, nhận thức pháp luật cho người dân khu vực này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, cũng như các tiêu chí và pháp luật trong chương trình xây dựng NTM, ngày 4/11/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, người DTTS tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng.
Để chính sách này đến được với đông đảo đồng bào DTTS, nhất là đối tượng cần được trợ giúp pháp lý, thời gian tới, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; triển khai các hoạt động hỗ trợ theo hướng mở, phong phú, đa dạng về hình thức, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở cơ sở, nhằm hướng tới hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, chú trọng vào các vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng.
Ngọc Huyền - Đặng Dung
Liên kết website
Ý kiến ()