Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 00:25 (GMT +7)
Nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn
Thứ 3, 15/03/2022 | 08:17:40 [GMT +7] A A
Những năm qua, nhờ thực hiện lồng ghép nhiều chính sách của tỉnh; đồng thời, với nỗ lực chung của mỗi người dân, đời sống KT-XH khu vực nông thôn trên địa bàn Quảng Ninh đã có những chuyển biến rõ nét.
Nhằm tập trung nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH khu vực nông thôn trên địa bàn, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết xác định tổng vốn thực hiện phát triển KT-XH khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 4.200 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách huyện và các nguồn huy động khác. Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với các nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp những công trình, hạng mục còn thiếu ở khu vực nông thôn để ngày càng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, giao lưu buôn bán của người dân và nâng cao chất lượng sinh hoạt của bà con.
Trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ xây dựng 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, chợ thương mại, nước sinh hoạt... tại nhiều xã trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án giao đất giao rừng ở cả 98 xã vùng nông thôn trên địa bàn, nhất là đối với các xã đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; tập trung nguồn vốn ngân hàng cho vay tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng DTTS của tỉnh. Đến nay, riêng dư nợ ngân hàng CSXH tại 67 xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng DTTS là hơn 1.472 tỷ đồng, với 36.460 hộ vay.
Nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp được thực hiện như: Quản lý và thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản biển tỉnh; quản lý dịch hại trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp... Nhờ vậy, năm 2021 sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định. Sản lượng lương thực đạt 225.328 tấn. Tỉnh đã thực hiện chuyển đổi khoảng 1.014,8ha đất trồng lúa sang trồng ngô và cây rau màu các loại cho năng suất, chất lượng cao hơn. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng từ năm 2021 đến hết tháng 2/2022 toàn tỉnh đạt gần 121.440 tấn; tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 180.000 tấn.
Quảng Ninh còn chỉ đạo các ngành, địa phương hoàn thành đề án giao đất giao rừng đối với khu vực nông thôn trên địa bàn. Theo đó, tỉnh giao các sở, ngành, địa phương liên quan thu hồi diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các dự án, công trình có vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất dành cho phát triển lâm nghiệp; đẩy nhanh việc giao đất, cho thuê đất gắn với giao đất, cho thuê rừng; đồng thời tăng cường vận động bà con nông dân tích cực trồng rừng tập trung.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Qua đó, 235 hộ dân ở Hạ Long, Ba Chẽ (2 địa phương được thụ hưởng chính sách) đã được hỗ trợ 5,815 tỷ đồng để trồng rừng gỗ lớn. Từ năm 2021 đến hết tháng 2/2022, toàn tỉnh trồng được 12.836ha rừng tập trung. Chất lượng rừng được nâng lên. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 615.648m3.
Các địa phương còn triển khai hiệu quả chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), trong đó định hướng, thẩm định, đề xuất xét công nhận các sản phẩm OCOP chủ lực của từng địa phương, nhất là vùng DTTS, miền núi. Đến nay, toàn tỉnh có 182 đơn vị tham gia với 477 sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn tập trung thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Riêng huyện Bình Liêu đã hoàn thiện đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện đến năm 2030.
Tỉnh còn tập trung hoàn thiện đề án tổng thể phát triển hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, xây dựng các điểm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để phát huy tiềm năng khu vực nông thôn trên địa bàn.
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp tập trung phát triển KT-XH khu vực nông thôn trên địa bàn, đời sống của nông dân, ngư dân được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 51,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 0,23% (năm 2020) xuống còn 0,14% (năm 2021) theo tiêu chí cũ.
Thu Nguyệt
- Bình Liêu phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2022: Quyết tâm lớn, nỗ lực cao
- Huyện nông thôn mới phải có tỉ lệ hài lòng của người dân đạt từ 90% trở lên
- TP Hạ Long ra quân phát động đợt thi đua cao điểm 90 ngày đêm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới 2022
- Xây dựng nông thôn mới bền vững
- Quảng Ninh tăng tốc về đích nông thôn mới
Liên kết website
Ý kiến ()