Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:45 (GMT +7)
Nâng cao đời sống người dân vùng khó khăn
Thứ 6, 15/09/2023 | 13:46:11 [GMT +7] A A
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực miền núi, biên giới, biển đảo, tạo động lực, sự bứt phá trong phát triển KT-XH của địa phương.
Huyện Bình Liêu có khoảng 95% là đồng bào DTTS. Thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đề án, chương trình phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đáng chú ý là việc khơi thông nguồn vốn chính sách, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào vùng khó. Trong 2 năm thực hiện nghị quyết, trên địa bàn huyện Bình Liêu có 455 hộ được tiếp cận nguồn vốn với tổng vốn được phân bổ trên 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào DTTS đã tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Gia đình anh Phùn Quay Sường (thôn Cầu Sắt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) là 1 trong những gia đình được vay vốn từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện với lãi suất ưu đãi. 2 năm qua, gia đình anh Sường có thêm nhiều điều kiện để triển khai mô hình nuôi dê phù hợp với điều kiện địa phương hứa hẹn mang lại thu nhập khá. Anh Sường cho biết: Năm 2021, tôi được vay 100 triệu đồng (theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh) để làm chuồng trại, mua dê giống để nuôi. Đến bây giờ, gia đình đã phát triển được đàn 20 con. Mô hình chăn nuôi đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho gia đình, tôi không phải ra ngoài làm thuê nữa.
Cùng với việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, huyện Bình Liêu cũng tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ vùng nông thôn, đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực; kêu gọi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, HTX tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là những sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững và thương mại biên mậu…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06 đã tạo động lực to lớn góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển, giảm nghèo bền vững. Hết năm 2022 huyện Bình Liêu hoàn thành chương trình xây dựng NTM, toàn huyện còn 29 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng/năm. Hiện trên địa bàn huyện không còn hộ dân phải ở nhà tạm, dột nát; không còn thôn đặc biệt khó khăn; 100% hộ đang được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và được sử dụng điện đảm bảo an toàn, chất lượng…
Không riêng huyện Bình Liêu, Nghị quyết 06 đã thực sự đi vào cuộc sống, mang đến sự đổi thay rất lớn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, đồng bộ với trên 100 dự án đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, nhà văn hóa đã và đang được triển khai thực hiện. Đời sống, việc làm, thu nhập của người dân tại 65 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được nâng lên nhờ việc sử dụng có hiệu quả tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm… với tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.000 tỷ đồng, cũng như việc ban hành các nghị quyết đột phá, sáng tạo, đặc thù về lĩnh vực giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội…
Hết năm 2022, thu nhập bình quân tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 54,4 triệu đồng/người; số hộ nghèo giảm còn 258 hộ. Quảng Ninh đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, để chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đã được mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()