Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:17 (GMT +7)
Phát triển kinh tế - xã hội miền núi, biên giới, hải đảo: Nâng cao đời sống nhân dân
Thứ 6, 24/11/2023 | 07:37:10 [GMT +7] A A
Các mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" đang dần cán đích.
Trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu) được xây dựng từ tháng 11/2022, hoàn thành tháng 8/2023 trước ngày khai giảng năm học mới 2023-2024. Ngôi trường mới rộng 20.000m2, (trường cũ rộng khoảng 8.000m2), mức đầu tư gần 94 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục, như khu phòng học chính, nhà bộ môn, nhà hiệu bộ, nhà công vụ cho giáo viên ở xa, nhà đa năng, sân bóng đá…, đáp ứng nhu cầu học tập chất lượng cao của học sinh các dân tộc trên địa bàn huyện.
Ông Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Liêu, cho biết: “Năm học này nhà trường có 500 học sinh, đa phần là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… Chuyển ra ngôi trường mới với quy mô phòng học đầy đủ, thiết bị dạy học hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất để nhà trường tổ chức đổi mới các hoạt động giáo dục, đa dạng hóa các hình thức giáo dục”.
Trường THPT Bình Liêu là một trong nhiều công trình giáo dục được đầu tư nhằm hiện thực hóa quyết tâm của tỉnh mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất 1 trường công lập; mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Qua đó tạo điều kiện để học sinh được học tập trong ngôi trường hạnh phúc.
Thời gian qua, các hạ tầng thiết yếu nhằm tạo động lực cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được xây dựng đồng bộ, hiện đại, liên thông. Giai đoạn 2021-2023 có 246 công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư từ ngân sách tỉnh. Đặc biệt nhiều công trình giao thông như: Đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường nối từ QL 18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); đường tỉnh 341 đoạn từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà); đường liên xã Húc Động - Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C huyện Bình Liêu… đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các địa phương vùng khó khăn.
Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), cho biết: Năm 2021 tuyến đường nối trung tâm xã Đại Dực với trung tâm xã Đại Thành cũ được đầu tư mới. Với tuyến đường này bà con chỉ mất 7km là tới nơi, trong khi tuyến đường cũ dài 20km, lại nhiều cua, dốc cao nguy hiểm. Tuyến đường đã đáp ứng mong mỏi của nhân dân địa phương, là cơ hội cho bà con phát triển kinh tế, lưu thông an toàn.
Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp về phát triển lâm nghiệp bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thúc đẩy kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng chương trình OCOP… Nhờ đó đến nay, kinh tế của người dân khu vực này được nâng lên đáng kể, dự kiến hết năm 2023 thu nhập bình quân của người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt khoảng 56,2 triệu đồng/người/năm, tăng 10,1 triệu đồng so với năm 2020. Tỉnh hoàn thành chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát năm 2023 cho 66 hộ dân khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hiện 13/21 chỉ tiêu thuộc Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt và vượt; 7 chỉ tiêu đạt từ 83-98%...
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()