Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:25 (GMT +7)
Nâng cao đời sống nhân dân theo di nguyện của Bác
Thứ 3, 18/05/2021 | 14:41:19 [GMT +7] A A
Không ngừng chăm lo cho đời sống nhân dân là một trong những lời dặn dò tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa. Thực hiện di nguyện của Người, Quảng Ninh luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Nhìn lại thành quả 10 năm từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn toàn tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 6.700 USD, gấp hơn hai lần bình quân chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020; khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%. Tinh thần tự nguyện thoát nghèo lan tỏa rộng khắp, đồng bào dân tộc các huyện miền núi khó khăn đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo, tạo nên hiệu ứng tích cực trong cả cộng đồng.
Từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Vân Đồn, Vạn Yên giờ đây đang trong hành trình xây dựng, phấn đấu về đích NTM trong năm 2021. Không còn là xã vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn ngày nào, đường vào Vạn Yên nay đã được trải nhựa, thẳng tắp. Xã có 5 thôn thì hiện có đến 4 thôn nằm trọn trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế Vân Đồn. Trong tương lai, khi các dự án được triển khai sẽ không chỉ là cơ hội phát triển, mà chính người dân địa phương là những người được hưởng lợi đầu tiên.
Vui mừng trước những đổi thay và tương lai tươi sáng của miền quê nơi bao thế hệ gia đình đã gắn bó, ông Vũ Thế Phong, thôn Đài Làng, thành viên HTX Nông trang Vạn Yên, chia sẻ: Trước kia, nhắc đến thôn Đài Làng, nhiều người không muốn đến vì đi lại khó khăn. Giờ đây, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp hoàn thành, chạy qua địa bàn xã sẽ tạo điều kiện cho giao thương phát triển. Chắc chắn từ đó, sản phẩm OCOP cam Vạn Yên của chúng tôi cũng dễ dàng hơn khi tiếp cận thị trường.
Chương trình OCOP - mỗi xã, phường một sản phẩm gắn với xây dựng NTM được triển khai trong toàn tỉnh đã đem lại một làn gió mới cho sản xuất nông, lâm, thủy sản. Từ đây, người nông dân đã có sự thay đổi ngoạn mục về tư duy, từ việc chỉ sản xuất các sản phẩm mang tính hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, đã phát triển về quy mô, chất lượng, mẫu mã, bao bì để trở thành sản phẩm hàng hóa, phục vụ mục đích thương mại. Các sản phẩm được gắn mác OCOP không còn là sản phẩm cá nhân gia đình, mà đã được nâng tầm trở thành thương hiệu của địa phương, của tỉnh.
Chương trình xây dựng NTM, chương trình OCOP không chỉ giải quyết được việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, còn là cú huých để họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Có thể nói, với cách làm bài bản, tập trung, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, theo hướng người dân là chủ thể, đã góp phần quan trọng giúp Quảng Ninh đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn một năm. Đến nay, 91% xã trong toàn tỉnh đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng NTM nói riêng, giải pháp tiên quyết được tỉnh quyết tâm thực hiện chính là đầu tư về hạ tầng. Đó là những công trình được xây dựng nhằm phục vụ trực tiếp đời sống của nhân dân, tạo sự đổi thay rõ nét về diện mạo, nối gần hơn khoảng cách giữa nông thôn, miền núi và thành thị. Trong nhiều năm liền, tỉnh đã dồn lực tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng thiết yếu cho vùng đặc biệt khó khăn, từ đường giao thông đến hạ tầng điện, nước. Cho đến nay, ở Quảng Ninh, đường bê tông trải dài đến từng thôn, xóm; điện lưới quốc gia phủ sóng 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống; 98% người dân toàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Những huyện đảo xa xôi như Cô Tô, những xã đảo có vị trí biệt lập như đảo Trần cũng đã có điện lưới quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, đưa Cô Tô trở thành huyện đầu tiên trong toàn tỉnh không còn hộ nghèo, kể từ năm 2020.
Luôn kiên định với phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn - đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi… Từ đó, đã khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Không chỉ dành nguồn lực, chính sách xã hội thỏa đáng, giúp vực dậy những người yếu thế trong xã hội, tỉnh còn ưu tiên dành nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại. Với việc cơ cấu lại mô hình y tế tuyến xã, tuyến huyện, đã không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế đối với người nghèo, đối tượng khó khăn, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. BHYT toàn dân đạt 95%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ này là 100%. Đối với giáo dục, 85% trường đạt chuẩn quốc gia; 99,58% cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, đáp ứng các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.
Tập trung các nguồn lực để hỗ trợ vùng khó, tỉnh cũng đặc biệt ưu tiên cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời, đưa ra các cơ chế hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa các huyện miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm văn hóa đặc trưng vùng miền để phục vụ phát triển du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân. Cũng từ đây, những người dân vốn quen với núi rừng ở những huyện miền núi nghèo như Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà... dần được tiếp xúc với những ý tưởng mới, sẵn sàng bắt tay làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điều mà trước kia họ chưa từng nghĩ tới.
Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, đã luôn giữ vững quan điểm nhìn thẳng, đánh giá thực chất, nhận thức đầy đủ các khó khăn, mâu thuẫn, thách thức đan xen để từ đó lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển một cách phù hợp nhất với thực tiễn địa phương. Luôn gắn kết chặt chẽ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội là lý tưởng xuyên suốt trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương.
Những thành tựu to lớn ấy đã tạo nên sự thay đổi lớn về diện mạo của Vùng mỏ, vị thế, sắc màu của Quảng Ninh trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()