Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:44 (GMT +7)
Nâng cao đời sống nông dân từ áp dụng KHCN
Thứ 5, 17/06/2021 | 06:09:11 [GMT +7] A A
Song song với đẩy mạnh phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, du lịch, Quảng Ninh cũng rất chú trọng tới việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là nông dân.
Có thể khẳng định, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và ngành nông nghiệp đã rất quan tâm tới công tác đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, như: Đưa các cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh; chuyển dịch cây trồng theo hướng phát triển cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Toàn tỉnh đã tăng diện tích lúa Thiên ưu 08, Bắc thơm, Hương thơm, BC 15; đưa các giống ngô NK6654, NK4300; giống dong riềng DR1, DR3-10, hoa ly, tuy líp... có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Diện tích các loại cây ăn quả như: Na dai Đông Triều, vải chín sớm Phương Nam, thanh long ruột đỏ, cam, quýt...
Với các loại cây chủ lực như chè, dong riềng, các địa phương rà soát lại quy hoạch, đẩy mạnh các giải pháp cải tạo vườn cây, áp dụng quy trình sản xuất tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Nhiều địa phương còn quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực tập trung, vùng rau, hoa công nghệ cao, áp dụng nhà lưới, nhà kính trong sản xuất... Đến nay có 35 cơ sở có giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích hơn 760ha. Diện tích trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh tăng từ 401ha năm 2017 lên gần 473ha năm 2020 với sản lượng hoa đạt trên 107 triệu bông. Cây ăn quả như nhãn năm 2020 đạt hơn 4.000 tấn, vải gần 10.500 tấn, cam gần 1.400 tấn, na được 13.686 tấn...
Không chỉ có cây trồng, mà các địa phương cũng tập trung điều chỉnh vật nuôi, phương thức sản xuất chăn nuôi, vùng chăn nuôi, tái cơ cấu theo chuỗi giá trị ngành hàng... Chăn nuôi công nghệ, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Đàn giống được cải thiện với nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến. Tỉnh chuyển chăn nuôi tập trung về những vùng có mật độ dân số thấp; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, bảo vệ môi trường. Hiện trên địa bàn tỉnh có 240 trang trại chăn nuôi.
Quảng Ninh đã phát triển vùng chăn nuôi lợn tại Móng Cái, chăn nuôi gà tại Tiên Yên, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại các địa phương khác. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 16.500 lợn nái Móng Cái, mỗi năm sản xuất hơn 330.000 con giống lợn lai F1 để nuôi thương phẩm; đàn gà Tiên Yên cũng lên tới gần 420.000 con... Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao...
Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tỉnh còn chú trọng đến đưa công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 140.000 máy móc, nông cụ được sử dụng trong sản xuất như máy cày, máy kéo, máy gieo hạt, máy chế biến lương thực, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy tuốt lúa...
Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất của tỉnh đạt 90% diện tích canh tác, cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 75%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt 70%. Các hợp tác xã, trang trại có quy mô cơ giới hóa chuồng trại, cung cấp thức ăn, nước uống đạt 92%, xử lý môi trường đạt 75%, 48% hộ chăn nuôi đã có máy thái cỏ... Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp đã giúp người dân giảm công lao động, rút ngắn chu kỳ sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên 10-15%, giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương còn gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và phát triển thị trường tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu về xây dựng, triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) và được Trung ương chọn, triển khai nhân rộng cả nước. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 172 đơn vị tham gia chương trình OCOP với 435 sản phẩm. Chương trình này mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân.
Việc đổi mới cách thức sản xuất, áp dụng KHKT vào nông nghiệp của các địa phương đã giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Giá trị sản phẩm nông nghiệp bình quân đạt 137,6 triệu đồng/ha/năm. Năm 2020, thu nhập và đời sống cư dân nông thôn tăng cao, đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm chỉ còn 0,36%.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()