Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 22:54 (GMT +7)
Nâng cao hiệu quả sử dụng nhà văn hoá ở cơ sở
Thứ 6, 04/10/2013 | 05:06:19 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, phong trào xây dựng nhà văn hoá ở các thôn, khu phố trên địa bàn các địa phương trong tỉnh triển khai khá rầm rộ và được người dân hưởng ứng tích cực. Trong các cuộc họp tổ dân, khu phố, thôn xóm nội dung này được đưa ra bàn luận sôi nổi, nào là địa điểm đặt ở đâu, nơi nào còn quỹ đất, diện tích ra sao, huy động xã hội hoá nguồn lực thế nào v.v. và v.v. Điều này thực ra cũng dễ hiểu, bởi thực tế người dân, các khu phố, thôn xóm từ lâu đã rất “khát” có một nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, vui chơi quy củ, rộng rãi; khỏi phải đi mượn nơi này, nhà nọ khi có việc. Bởi vậy khi có chủ trương, định hướng về việc này là khu phố, thôn xóm “bắt” ngay. Được tạo điều kiện về quỹ đất cùng với hỗ trợ phần lớn kinh phí xây dựng (phần còn lại huy động xã hội hoá), nên chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt các nhà văn hoá ở xã phường, khu phố, thôn xóm được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân, cán bộ thôn xóm. Nhiều hoạt động, sinh hoạt của người dân đã được tổ chức ở các nhà văn hoá khiến ai nấy đều mừng.
Tuy nhiên, niềm vui này cũng chỉ thoảng qua trong một thời gian ngắn. Bởi vì sau đó, hầu hết các nhà văn hoá đều “cửa đóng, then cài”, hoặc được sử dụng vào mục đích khác, chẳng liên quan gì đến nội dung văn hoá và rất hiếm khi được đưa vào sử dụng. Ở khu vực thành thị còn đỡ, vì dù sao cũng còn lác đác có các hoạt động như làm sân chơi thể thao cho người già, trẻ em; tập luyện văn nghệ; tổ chức Trung thu cho thiếu nhi... Còn ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa thì quả thật hầu như không thấy hoạt động. Đáng buồn hơn là nhiều nhà văn hoá được xây dựng ở địa điểm xa khu dân cư, giữa bãi đất hoang, cánh đồng, nên càng vắng vẻ đìu hưu. Vì vậy, thực trạng nhiều nhà văn hoá hiện nay thật khó hình dung nổi, nhiều nơi cỏ dại mọc um tùm, các vật dụng, thiết bị thì xuống cấp, hoen gỉ, thậm chí có nơi trở thành bãi chăn trâu, trồng rau của người dân quanh khu vực. Điều này đã được phóng viên Báo Quảng Ninh “mục sở thị” và phản ánh ở một số xã của TX Quảng Yên mới đây...
Chủ trương xây dựng nhà văn hoá ở cơ sở là hết sức cần thiết và đúng đắn. Nó đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của đông đảo người dân và cán bộ cơ sở về việc có một nơi sinh hoạt, hội họp cộng đồng rộng rãi, độc lập. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố bất cập cả về chủ quan và khách quan, như thiếu kinh phí duy trì hoạt động; không có quy chế, chương trình sinh hoạt phù hợp... nên hiệu quả sử dụng của nhiều nhà văn hoá rất thấp. Đó là chưa kể những nhà văn hoá được xây dựng ở các địa điểm không thuận lợi thì công năng sử dụng càng thấp.
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để phấn đấu về đích vào năm 2015. Trong đó có tiêu chí về xây dựng nhà văn hoá ở các xã nông thôn mới. Như vậy, không lâu nữa số lượng nhà văn hoá ở cơ sở sẽ tăng đáng kể. Vì vậy, để các nhà văn hoá thực sự phát huy được tác dụng, hiệu quả, thì vấn đề cần đặt ra sớm là cần phải có quy chế, cơ chế phù hợp cho công tác quản lý, hoạt động của thiết chế văn hoá này. Nếu chỉ chú ý chạy theo tiến độ, không tính đến yếu tố hiệu quả sử dụng thì lại tiếp tục đi vào vết xe đổ như đã từng diễn ra với các nhà văn hoá đã xây dựng thời gian qua. Như vậy vừa lãng phí tiền của của nhà nước và người dân, vừa không thoả mãn được nhu cầu, mong muốn của cộng đồng...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()