Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:37 (GMT +7)
Nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản
Thứ 3, 27/10/2020 | 15:27:43 [GMT +7] A A
Trong thời đại hội nhập và phát triển, ngoại ngữ, tin học có vai trò quan trọng. Đặc biệt với Quảng Ninh, một tỉnh vừa có tiềm năng du lịch, vừa có tiềm năng công nghiệp, thương mại với đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài gần 120km thì việc học ngoại ngữ, tin học ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn.
Trong khuôn khổ Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp bồi dưỡng cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản tại các xã khó khăn vùng biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh”, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã triển khai thí điểm mô hình lớp học tiếng Trung Quốc và tin học cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản tại các xã của hai huyện Bình Liêu và Vân Đồn với mục đích giúp họ nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Trung Quốc, kỹ năng tin học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản là những người trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương trên địa bàn dân cư, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội, duy trì an ninh trật tự ở địa phương. Họ chính là cầu nối giữa chính quyền cấp xã với từng hộ dân, từng người dân. Đối với các xã vùng biên giới, hải đảo, vai trò của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển càng được khẳng định rõ nét hơn. Nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản tại các xã khó khăn vùng biên giới, hải đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài các nội dung liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, kiến thức về pháp luật, kỹ năng công tác, ngoại ngữ và tin học cũng là những phương tiện hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản.
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu tham gia Lễ hội đình Lục Nà năm 2019. |
Qua thực tế cho thấy, đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản có đường biên giới với nước bạn, tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ giao tiếp cần thiết, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động đối ngoại, giao lưu, hợp tác song phương. Để hội nhập vùng biên, phát triển kinh tế cửa khẩu, trao đổi thương mại và giao lưu văn hóa, những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản cần phải biết giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (Mục III- Nhiệm vụ và Giải pháp chủ yếu) đề cập đến “Đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ với Trung Quốc thông qua các khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh…”. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định ba khâu đột phá chiến lược, gồm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, đồng thời xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh. Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản và nhân dân khu vực biên giới, hải đảo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền biên giới, hải đảo. Vì vậy, bồi dưỡng tiếng Trung Quốc giao tiếp cũng như trình độ tin học cơ bản cho đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản tại các xã khó khăn vùng biên giới, hải đảo của tỉnh là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Các lớp bồi dưỡng tiếng Trung Quốc cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản tại các xã khó khăn của các huyện Bình Liêu và Vân Đồn diễn ra trong 15 ngày (30 buổi học). Chương trình bồi dưỡng sử dụng giáo trình “Khẩu ngữ tiếng Trung Quốc qua phiên âm Latin” theo chủ đề dành riêng cho những người hoạt động không chuyên trách. Nội dung chương trình chú trọng luyện nghe - nói, giúp học viên trong một thời gian ngắn có thể thực hiện giao tiếp hàng ngày đơn giản bằng tiếng Trung Quốc thông qua 5 chủ đề giao tiếp cơ bản như: Chào hỏi - hỏi thăm sức khỏe, giới thiệu bản thân, gia đình - công việc, mua sắm, hỏi và chỉ đường. Mỗi bài học được chia làm 5 phần: Ngữ âm, từ mới, mẫu câu, hội thoại và bài luyện tập. Nội dung hội thoại đồng nhất với bài luyện nói trong phần củng cố kiến thức trên cơ sở từ mới của từng bài. Phần mẫu câu được biên soạn đơn giản, dễ hiểu giúp học viên tiếp cận kiến thức và thực hành giao tiếp. Học viên tham gia lớp bồi dưỡng xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm trong học tập nên có tinh thần trách nhiệm cao, chấp hành tốt nội quy, chương trình và hoạt động của lớp, hăng say học tập, vận dụng tốt kiến thức đã học vào thực tiễn công việc.
Với phương pháp “Lấy người học làm trung tâm”, học viên được khuyến khích làm việc theo cặp, nhóm, xây dựng đoạn hội thoại, thuyết trình. Ngoài ra, học viên tham gia các hoạt động mang không khí ngoại ngữ vui nhộn như đóng vai trong hội thoại, trò chơi, giải câu đố… Không khí lớp học sôi nổi, tạo hiệu quả cao trong giảng dạy và học tập của cả thầy và trò. Qua khảo sát, lấy ý kiến của học viên hai lớp về khóa học, 100% học viên có phản hồi tích cực, 100% học viên đánh giá giáo trình biên soạn cơ bản, rõ ràng, dễ hiểu, đi đúng nội dung các chủ điểm cần thiết trong giao tiếp thường nhật, các mẫu câu, hội thoại thiết kế phù hợp, thiết thực cho công việc và cuộc sống. Phương pháp giảng dạy tích cực đã tạo được hứng thú cho học viên trong mỗi giờ học; 96% học viên mong muốn thời gian học tập kéo dài hơn để tiếp thu thêm kiến thức và có nhiều thời gian và cơ hội để thực hành.
Hoạt động ngoại khóa là điểm nhấn của khóa học. Học viên tham gia Gala thực hành tiếng Trung Quốc với nhiều trò chơi và phần thi kiến thức hấp dẫn. Học viên tham gia đóng vai trong các hội thoại, hát các bài hát tiếng Trung Quốc, tham gia các phần thi “Đuổi hình bắt chữ”, “Ai là triệu phú”, “Ai là ai”... Kết thúc khóa học, học viên có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Trung Quốc thông qua các chủ đề thông thường và giới thiệu về địa phương. Đa số học viên có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công việc.
Lớp bồi dưỡng tin học cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản tại các xã khó khăn vùng biên giới, hải đảo cũng được lựa chọn tổ chức triển khai thí điểm tại hai huyện Bình Liêu và Vân Đồn. Đối với huyện Vân Đồn, đối tượng học viên là những người hoạt động không chuyên trách tại các thôn, bản thuộc hai xã Bình Dân và Đài Xuyên. Đối với huyện Bình Liêu, hầu hết các xã có vị trí sát biên giới Việt - Trung nên đối tượng học viên là những người hoạt động không chuyên trách tại các thôn, bản thuộc 6/7 xã, thị trấn của huyện.
Chương trình bồi dưỡng sử dụng giáo trình giảng dạy tin học theo từng chuyên đề dành riêng cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản. Nội dung chương trình chú trọng những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, sử dụng hệ điều hành, phần mềm soạn thảo văn bản của hãng Microsoft, sử dụng trình duyệt Web, tìm kiếm, khai thác thông tin trên mạng Internet và sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Giáo trình biên soạn cơ bản, rõ ràng, phù hợp với trình độ, nhận thức của người học. Với mỗi phần, nội dung được chia nhỏ, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành giúp học viên tiếp cận hiệu quả; bài tập thực hành sát với thực tiễn công việc của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản và học viên có thể lưu trữ lại để sử dụng lâu dài.
Phương pháp kết hợp giữa lý thuyết và thực hành song song, "cầm tay chỉ việc" giúp học viên nắm bắt và thực hành những kiến thức cần thiết, đặc biệt chú trọng việc quan sát, thực hành trên máy tính. Giáo viên sử dụng máy chiếu để hướng dẫn chi tiết từng bước bài thực hành. Với phương pháp “Lấy người học làm trung tâm”, học viên được khuyến khích mang đến các văn bản, nội dung thực tế trong công việc để đưa vào bài luyện tập, trao đổi theo nhóm hai người để hướng dẫn nhau thực hành một cách đúng và nhanh nhất, đồng thời lưu trữ, gửi vào hộp thư điện tử để thuận tiện cho việc sử dụng. Học viên nhận thức được hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của đời sống xã hội. Đa số học viên ham học hỏi, trau dồi kiến thức, tích cực thực hành và biết ứng dụng vào công việc cụ thể của từng cá nhân. Kết thúc khóa học, học viên nắm được kiến thức cơ bản về tin học, tự tin trong việc sử dụng máy tính, sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows để quản lý thông tin như tạo thư mục, lưu trữ, sao chép, di chuyển, cắt, xóa thông tin… Đối với phần soạn thảo văn bản, học viên có thể soạn thảo và trình bày văn bản hành chính theo thể thức văn bản của Đảng và của chính quyền; biết trình bày văn bản dạng bảng, biểu, định dạng trang văn bản và in ấn. Học viên có thể khai thác được thông tin trên mạng Internet, biết tìm kiếm thông tin, sao chép những thông tin cần thiết, đồng thời có thể gửi, nhận thư điện tử. Ngoài ra, học viên cơ bản hiểu biết về dịch vụ công trực tuyến, biết cách đăng nhập, nộp hồ sơ trực tuyến. Qua khảo sát, lấy ý kiến học viên, 100% học viên có phản hồi tích cực, đánh giá lớp học đã mang lại hiệu quả thiết thực cho công việc và cuộc sống và mong muốn tăng thời lượng học tập của khóa học.
Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản được xác định như “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở, thành phần không thể thiếu của chính quyền cấp xã trong việc hoàn thành tốt và hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước ở địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với các thôn, bản tại các xã khó khăn vùng biên giới, hải đảo của tỉnh với mục tiêu xây dựng thôn, bản bình yên, phát triển, đóng góp vào thành tích chung của địa phương, của tỉnh trong tình hình mới.
ThS. Trần Thế Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Liên kết website
Ý kiến ()