Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:26 (GMT +7)
"Nâng cao sinh kế cộng đồng kéo giảm áp lực lên tài nguyên rừng - biển"
Chủ nhật, 28/07/2024 | 14:25:30 [GMT +7] A A
Thực hiện Dự án khảo sát về đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh vào năm 2023, TS. Đỗ Văn Tứ, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cùng các chuyên gia đã có những chuyến khảo sát ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp ông có một cái nhìn tổng thể, toàn diện về các giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) của tỉnh cũng như những vấn đề đã, đang đặt ra hiện nay trong việc bảo tồn, gìn giữ môi trường tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chia sẻ với phóng viên về kết quả các đợt điều tra, khảo sát, ông cho biết: Qua những điều tra của chúng tôi ở khu vực Quảng Ninh một lần nữa cho thấy, Quảng Ninh là một trong những khu vực có sự ĐDSH rất cao. Đối với các hệ sinh thái (HST), chúng tôi đã thống kê sơ bộ được 44 kiểu HST theo nhóm chức năng, bao gồm các HST ở trên cạn như rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp, trong đó có các HST rừng trên núi đá vôi…
Đặc biệt, nghiên cứu này của chúng tôi đã ghi nhận thêm cho tỉnh Quảng Ninh một kiểu đất ngập nước chưa từng được đề cập đến trong các báo cáo và nghiên cứu trước đây là Hệ thống thủy văn ngầm các-xtơ và hang, động nội địa. HST dưới biển thì điển hình là HST rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển.
Một đặc trưng nổi bật nhất của Quảng Ninh là hệ thống hơn 2.000 hòn đảo trên biển mà không nơi nào ở Việt Nam cũng như thế giới có được. Đây là một trong những đặc trưng nổi bật nhất về giá trị cảnh quan, giá trị sinh thái cũng như chứa đựng giá trị ĐDSH to lớn cho tỉnh Quảng Ninh. Đi kèm với nó có thể kể tới như HST tùng áng trong lòng núi đá vôi của Quảng Ninh cũng rất đặc trưng, được tạo thành từ sự đa dạng của địa hình, khí hậu, quá trình kiến tạo địa chất, tiến thoái của mực nước biển hình thành nên.
Còn đối với đa dạng thành phần loài thì chúng tôi đã thống kê sơ bộ ở trên cạn có 2.252 loài thực vật, hơn 90 loài thú, 137 loài bò sát, lưỡng cư, 89 loài cá nước ngọt. Ở dưới biển cũng khá đa dạng, chúng tôi đã ghi nhận được khoảng 155 loài san hô, rong cỏ biển hơn 200 loài, nhóm rùa biển 4 loài và 5 loài thú biển khác. Nhìn trên các thống kê về HST cũng như sự đa dạng loài thì Quảng Ninh khá đa dạng so với các vùng, miền khác của Việt Nam.
- Các nhà khoa học thường vẫn hay nhắc tới những áp lực từ quá trình phát triển kinh tế tới môi trường tự nhiên. Vậy đối với Quảng Ninh, qua đánh giá của ông môi trường đang chịu những áp lực gì?
+ Mặc dù có mức độ ĐDSH rất cao nhưng Quảng Ninh cũng là khu vực phát triển năng động bậc nhất về kinh tế của Việt Nam. Áp lực của quá trình phát triển kinh tế cũng như mật độ dân số đông đã gây một áp lực rất lớn cho ĐDSH, được thể hiện qua một số khía cạnh nổi trội hơn cả. Trong đó, tác động lớn nhất là quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang các mục đích phục vụ cho sản xuất. Chúng ta phải dành rất nhiều tài nguyên về đất, mặt nước, rừng tự nhiên cho phát triển công nghiệp, lâm nghiệp và nông nghiệp… HST trong rừng tự nhiên sẽ khác, còn rừng trồng sẽ khác. Đó là chưa kể các hoạt động canh tác thiếu bền vững, có tác động tiêu cực tới ĐDSH, ví dụ như bà con trồng keo chẳng hạn, sau một vụ thu hoạch khoảng 5-6 năm thì người ta sẽ đốt trụi cả khoảng rừng đó…
Cũng phải khẳng định rằng, ở Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, thu nhập của người dân còn tương đối thấp, đời sống nhiều người dân còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn tài nguyên sinh vật xung quanh họ. Vì vậy, áp lực về khai thác, khai thác quá mức, khai thác huỷ diệt cũng là một trong những mối đe doạ rất lớn đối với ĐDSH của tỉnh Quảng Ninh nếu không được quản lý tốt. Các áp lực ở đây chủ yếu lên đối tượng động vật, chúng đang bị săn bắt khá nhiều. Bà con vẫn có thói quen vào rừng săn bắt các loại thú phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, làm sinh vật cảnh hoặc có thể đem bán cho các đối tượng thương lái, kể cả ở các khu bảo tồn, rừng cấm quốc gia…
Áp lực thứ 3 phải kể đến những vấn đề ô nhiễm môi trường từ đất, nước, không khí. Một vấn đề không thể bỏ qua mà trong thời gian tới chúng ta sẽ phải đối mặt, đó là vấn đề về biến đổi khí hậu cũng gây áp lực rất lớn tới ĐDSH, thể hiện qua các hiện tượng thời tiết cực đoan như khí hậu nóng lên, mực nước biển dâng cao, gia tăng các hiện tượng hạn hán, lũ lụt…
Bên cạnh đó, tôi còn muốn đề cập tới các sinh vật ngoại lai, theo thời gian đã được du nhập theo nhiều con đường khác nhau mà chúng ta có thể nhìn thấy, từ các nhóm thực vật như cây trinh nữ, đối với nhóm thuỷ sinh vật như nhóm cá tỳ bà, rùa tai đỏ, ốc bươu vàng… cũng có tác động rất lớn tới ĐDSH.
- Ông có thể nói rõ hơn những áp lực này sẽ tác động tới ĐDSH như thế nào?
+ Nhìn sâu xa hơn, đặc biệt đối với quá trình phát triển kinh tế, nếu chúng ta không biết chung sống hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn đúng cách các giá trị ĐDSH thì thiên nhiên sẽ bị huỷ hoại và không thể khôi phục lại. Xét trên khía cạnh sinh kế hay an ninh lương thực đối với người dân nghèo, nếu chúng ta không giữ gìn tốt giá trị ĐDSH thì chúng ta sẽ có tác động lớn tới tầng lớp này. Quá trình đi khảo sát của chúng tôi đã cho thấy rõ rằng, càng tầng lớp người dân mà có thu nhập càng thấp thì người ta càng bị phụ thuộc vào các tài nguyên ĐDSH để duy trì sinh kế. Nếu chúng ta bảo vệ không tốt thì đây là nhóm dễ bị tổn thương và tổn thương nhiều nhất trong cộng đồng.
Đối với công tác quản lý về ĐDSH, chúng tôi nhận thấy mặc dù có sự cố gắng rất lớn của tỉnh, các ban, ngành liên quan đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn các giá trị ĐDSH, tuy nhiên cũng do thực tế khách quan chúng ta còn hạn chế về nguồn lực, kể cả tài chính và con người, thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, do đó công tác bảo tồn ĐDSH cũng chưa thực sự hiệu quả như mong đợi, nhất là trong việc kiểm soát những khu vực rộng lớn hiện nay.
Thời gian sắp tới, tôi hy vọng là tỉnh sẽ có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác bảo tồn ĐDSH để đảm bảo được rằng, chúng ta sẽ giữ được lâu dài các giá trị ĐDSH to lớn cùng với nhiều nét đặc trưng độc đáo mà không nơi đâu có được của tỉnh Quảng Ninh. Và giữ được như thế sẽ góp phần xây dựng cuộc sống thịnh vượng cho người dân cũng như quảng bá được các giá trị ĐDSH của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung đối với bạn bè năm châu.
- Các khu vực có giá trị ĐDSH cao hay các khu bảo tồn của Quảng Ninh rất có tiềm năng cho phát triển loại hình du lịch sinh thái. Ông có gợi ý gì trong việc phát triển du lịch tại các khu vực này thay vì bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ phục vụ cho mục đích bảo tồn như hiện nay?
+ Đúng là các khu bảo tồn trên địa bàn như Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu rừng quốc gia Yên Tử, Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần hay khu vực rừng Quảng Nam Châu có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất cao. HST ở các khu vực này tạo nên cảnh quan rất đẹp với sự đa dạng sinh học cao, một số khu vực còn gắn với giá trị văn hoá bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc sinh sống trong vùng. Các di tích nằm trong phạm vi Khu rừng quốc gia Yên Tử gắn với Phật giáo Trúc Lâm, nằm trong hợp phần của Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới; hay như Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có sự kết nối rừng ở trên đất liền với HST biển đảo của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long… Cần khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, bao gồm các hoạt động du lịch mang tính khám phá, trải nghiệm, ví dụ như du lịch nông nghiệp; khai thác tất cả các khía cạnh khác nhau của dịch vụ HST và bản sắc văn hóa dân tộc.
Và nếu mà chúng ta phát triển du lịch thì cũng hứa hẹn cải thiện đời sống của bà con trong vùng, nhất là các khu vực vùng cao, sâu xa còn nhiều khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế cũng như giảm áp lực lên việc khai thác tài nguyên rừng - biển trong phạm vi khu bảo tồn. Với thực tế hiện nay, tôi nghĩ rằng cần có sự nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng địa phương để thúc đẩy việc phát triển du lịch tại các khu bảo tồn của địa phương.
Tuy nhiên, du lịch theo tôi cũng chỉ là một khía cạnh, bên cạnh du lịch thì chúng ta cũng cần phát triển các khía cạnh khác nữa để đáp ứng mục tiêu bảo tồn. Ví dụ, chúng ta trồng rừng hiện nay chủ yếu còn tập trung vào các đối tượng khá hạn chế, như là keo, quế thôi. Chúng ta cần nâng cao tiềm năng hơn nữa vì đây là khu vực gần rừng tự nhiên, nếu chúng ta phát triển sản xuất lâm nghiệp thì chúng ta có thể gia tăng các đối tượng cây trồng khác cũng như gia tăng đầu tư về nghiên cứu tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm của bà con chứ không nên tập trung quá nhiều vào việc mở rộng diện tích hay chỉ trồng một vài đối tượng nhất định.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()