Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:38 (GMT +7)
Nâng cao thu nhập cho người nông dân - Cách làm của Hải Hà
Thứ 7, 22/06/2024 | 15:18:28 [GMT +7] A A
Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Hải Hà luôn kiên định và xác định rõ tiêu chí về thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng đóng vai trò nội lực thúc đẩy, tạo sự bền vững trong xây dựng NTM, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, huyện đã có nhiều cách làm thể hiện rõ sự sáng tạo, hiệu quả, có bước đột phá trong phát triển các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Trong năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của Hải Hà đạt 1.342 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2010, tăng 1,4 lần so với thời điểm huyện được công nhận NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 của Hải Hà đạt gần 88 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3,2 lần so với năm 2010, tăng gần 1,5 lần so với năm 2020.
Bước vào năm 2024, huyện Hải Hà vẫn trên quan điểm nhất quán có thu nhập ổn định, người dân mới nâng cao được chất lượng cuộc sống. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hải Hà cho biết: Huyện chỉ đạo các xã tiếp tục đổi mới hình thức sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất tập trung, ưu tiên phát triển chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và sử dụng đất đai có hiệu quả.
Trên quan điểm nhất quán về chủ trương; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các xã đã xây dựng quy chế trong đó quy định hàng tuần cán bộ phụ trách địa bàn phải sắp xếp thời gian đi cơ sở để vừa là động viên, chia sẻ; vừa là tuyên truyền định hướng cho người dân trong phát triển các mô hình kinh tế; đồng thời kiểm tra thực tế đối với các mô hình kinh tế đã triển khai. Đặc biệt, đối với các mô hình kinh tế đã có hiệu quả, thì tiến hành nhân rộng theo tổ liên kết hộ dân với hộ dân, hộ dân với hợp tác xã và hộ dân với doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Giang, thôn 3, xã Quảng Minh (Hải Hà) cho biết: Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong thôn rất mừng là sau khi được tạo điều kiện vay nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, được tham dự các lớp tập huấn chuyên sâu về nuôi trồng thủy hải sản, gia đình ông đã tham gia vào tổ liên kết với các hộ nuôi để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thị trường, nên trong mấy năm gần đây việc nuôi thuỷ sản của các hộ dân trong thôn nói chung, gia đình tôi nói riêng đã mang lại doanh thu khá ổn định. Như gia đình tôi trừ mọi chi phí, mỗi năm cũng được vài trăm triệu đồng.
Những giải pháp sát thực tiễn trên đã tạo động lực giúp cho người dân kịp thời đúc rút kinh nghiệm, tìm cho mình hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế. Trong niềm vui, anh Nguyễn Văn Hoà, thôn 3, xã Quảng Minh (Hải Hà) tâm sự: Cách đây 3 năm về trước gia đình tôi và một số hộ dân trong thôn được cán bộ xã đến tận nhà vận động chuyển đổi đất lúa kém năng suất, sang trồng cây đào cảnh để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Tôi thử trồng trên diện tích 800m2 thấy hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa nên đã cải tạo thêm số diện tích đất vườn, đất ruộng cấy lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây đào cảnh. Như năm 2023 vừa rồi, gia đình tôi đã có doanh thu 500 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Cúc, Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Chính (Hải Hà) cho biết: Gia đình anh Vũ Văn Tuấn, thôn 9, xã Quảng Chính (Hải Hà) khởi đầu bằng nuôi gà cảnh chỉ tự phát. Nhưng nhờ anh ham học hỏi về cách thức chăm sóc gà cảnh, cách thức chọn giống gà phù hợp xu hướng thị trường, được hội nông dân xã thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp tìm kiếm thị trường… Đến nay, đàn gà cảnh của gia đình anh Tuấn đã có gần 100 đôi gà sinh sản gồm 1 trống 2 mái và hơn 500 gà cảnh con từ 5 đến 7 tháng tuổi. Giá thị trường hiện tại dao động từ 7 đến 8 triệu đồng 1 đôi gà cảnh đẹp. Hiện xã cũng đang nhân rộng mô hình này theo hướng các hộ nuôi sẽ cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.
Đồng hành cùng người nông dân từ những giải pháp cụ thể của Hải Hà, thời gian qua đã tạo bước phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương. Người nông dân Hải Hà đã dần thay đổi từ lối tư duy sản xuất đơn thuần sang tư duy kinh tế tích hợp đa giá trị nâng cao năng suất, sản phẩm nông nghiệp tăng thêm trên một đơn vị diện tích. Đây chính là cách làm của địa phương về nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng quê hương Hải Hà ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()