Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:19 (GMT +7)
Nâng chuẩn giáo viên: Động lực để ngành Giáo dục bứt phá
Thứ 6, 17/07/2020 | 10:04:55 [GMT +7] A A
Sau nhiều lần dự thảo, ngày 30/6/2020 vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Tại Quảng Ninh, Nghị định 71 được đánh giá sẽ tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, biến thách thức thành cơ hội, tạo được động lực mới để ngành Giáo dục khẳng định thêm quyết tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuẩn hóa, hội nhập quốc tế.
Cô giáo Trần Thị Chung (trình độ đại học), Trường Mầm non Minh Thành, TX Quảng Yên, dạy trẻ lớp 5 tuổi về hoạt động khám phá khoa học tìm hiểu các mùa trong năm. |
Mong muốn mở các lớp học tại chức nâng chuẩn tại địa phương
Tại Trường Mầm non Minh Thành, TX Quảng Yên, những năm gần đây luôn tích cực tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tự học, đăng ký tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Cụ thể, 10 giáo viên học bồi dưỡng cảm tình Đảng, 29 cán bộ, giáo viên bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp theo hạng, 16 giáo viên học nâng cao và đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm hệ Mầm non. Trường hiện có 9 giáo viên đang theo học năm thứ nhất đại học và 8 giáo viên đã làm hồ sơ đăng ký học đại học khóa 2020-2023.
Trường Mầm non Minh Thành hiện có 41 giáo viên, trước đây có 14 giáo viên đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 34%; trình độ trên chuẩn là 27 giáo viên, đạt tỷ lệ 67% (cao đẳng 7; đại học 20).
Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, từ ngày 1/7/2020, giáo viên phải đáp ứng điều kiện mới về chuẩn trình độ đào tạo. Vì thế, tính từ thời điểm này, trường chỉ còn 7 giáo viên đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 17,1%; trên chuẩn có 20 giáo viên, đạt tỷ lệ 48,8%.
Cô giáo Phạm Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Thành, cho hay: Luật mới có hiệu lực từ năm 2020, nhưng trên thực tế thời gian học nâng chuẩn của giáo viên từ trung cấp lên đại học phải mất từ 3-4 năm; cao đẳng lên đại học mất 2 năm. Như vậy sẽ khó khăn cho nhà trường trong thời gian tới thực hiện việc công nhận lại trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục. Trường rất mong muốn các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho mở các lớp học tại chức nâng chuẩn tại địa phương và hỗ trợ một phần kinh phí học tập.
Theo số liệu của Phòng GD&ĐT TX Quảng Yên, thời điểm tháng 6/2020 (khi Luật Giáo dục 2019 chưa có hiệu lực), 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thuộc thị xã đạt chuẩn về trình độ đào tạo; trong đó trên chuẩn là 86,7%, tăng 23,3% so với năm 2015. Theo Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2020), ngành Giáo dục thị xã có 29,2% nhà giáo chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Không riêng chỉ Quảng Yên, Luật Giáo dục năm 2019, hay Nghị định 71 của Chính phủ cũng đã tác động ít nhiều đến các trường học trong tỉnh.
Một giờ học của học sinh Trường THCS Thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà. |
Động lực để thực hiện chương trình GDPT mới
Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, từ ngày 1/7/2020, giáo viên phải đáp ứng điều kiện mới về chuẩn trình độ đào tạo.
Cụ thể, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm).
Giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm).
Giáo viên THCS phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm)…
Quang cảnh buổi tập huấn sử dụng sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 1 theo chương trình GDPT mới. |
Ngày 30/6/2020, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên thực hiện nâng trình độ chuẩn, Điều 10 Nghị định 71 nêu rõ quyền lợi của các đối tượng này gồm: Được tạo điều kiện về thời gian, được hỗ trợ tiền đóng học phí; được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT, tính riêng 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS, toàn tỉnh hiện có 16.870 giáo viên. Trong đó, trình độ trung cấp có 1.952 giáo viên; trình độ cao đẳng có 3.980 giáo viên; trình độ đại học có 10.725 giáo viên; trình độ thạc sĩ có 182 giáo viên.
Dự kiến sau ngày 18/8, tỉnh sẽ có kế hoạch chi tiết lộ trình nâng chuẩn trình độ cho giáo viên. Tin tưởng, việc làm này sẽ tạo được động lực để ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuẩn hóa, hội nhập quốc tế.
Lan Anh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()