Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:22 (GMT +7)
Nâng niu hai tiếng gia đình…
Chủ nhật, 26/06/2022 | 07:42:02 [GMT +7] A A
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, đồng thời còn là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách mỗi con người. Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Trong lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam từ xưa đến nay đã chứng minh, đối với người Việt Nam, quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Hầu hết những danh nhân, tướng tài, người thành danh đều được nuôi dưỡng trong một môi trường gia đình tốt, dù có nghèo khó, vất vả bội phần nhưng đầy ắp tình yêu thương. Trong kho tàng văn hoá dân gian tới nay còn lưu giữ biết bao truyện kể, giai thoại, ca dao, tục ngữ về gia đình, về mối quan hệ cha mẹ, con cái, vợ chồng mà thực chất là đúc kết từ hiện thực cuộc sống.
Gia đình truyền thống Việt Nam luôn đề cao mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, coi văn hóa ứng xử là hạt nhân gắn kết mọi thành viên trong gia đình và tất cả những tinh túy của truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc cũng từ nguồn cội này mà ra. Nó được thể hiện qua thái độ, hành vi, cách cư xử trong gia đình, trong đó phải đảm bảo các nguyên tắc: Đối với người trên phải tôn kính, lễ phép, khiêm tốn và quan tâm, chăm sóc; đối với người dưới phải biểu lộ thái độ thông cảm, nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; đối với người cùng thế hệ phải hết sức tôn trọng, chân thành, bác ái; trong quan hệ vợ chồng phải hòa thuận trên cơ sở tình yêu thương chung thuỷ và sự hiểu biết lẫn nhau. Đây là điều cốt yếu bởi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là nơi duy trì truyền thống và trao quyền các giá trị văn hóa. Nó tạo dựng cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội và hình thành nhân cách con người bắt đầu từ những “nết ăn, nết ở”, cư xử...
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa; cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường vượt qua mọi thử thách, khó khăn... đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Thực tiễn đã chứng minh, một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển. Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự "no ấm, bình đẳng, tiến bộ" mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ngày nay, gia đình Việt Nam với tất cả các mối quan hệ bên trong của nó đang biến đổi trong thời đổi mới, vừa kế thừa truyền thống vừa hướng tới xây dựng gia đình hiện đại. Do đó, xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng "gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới.
Để gia đình trở thành bến đỗ bình yên hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hoá truyền thống của mỗi gia đình và của xã hội, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh, tràn ngập yêu thương. Một “gia đình bình an” chính là tiền đề quan trọng của một “xã hội hạnh phúc”.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()