Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:07 (GMT +7)
Nâng tầm thương hiệu nông sản Móng Cái
Thứ 3, 02/04/2024 | 15:03:52 [GMT +7] A A
Nâng tầm thương hiệu nông sản bằng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, ngành nông nghiệp Móng Cái đang nỗ lực góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phục vụ tiêu thụ thị trường trong nước và phát huy lợi thế cửa khẩu xuất khẩu nông sản.
Hải Đông là 1 trong 9 xã nông nghiệp của TP Móng Cái có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và nhanh nhạy với nông nghiệp công nghệ cao. Năm qua, xã Hải Đông tập trung huy động mọi nguồn lực, lợi thế trên địa bàn để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên các mô hình vùng trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, ứng dụng công nghệ sinh học tiến tiến, định hướng nông nghiệp hữu cơ.
Cụ thể là thí điểm mô hình trồng khảo nghiệm giống ớt chỉ thiên năng suất cao tại xứ đồng thôn 5, thôn 7 của xã Hải Đông do Công ty TNHH TM Dịch vụ Hoàng An triển khai thực hiện. Sau một thời gian triển khai, sản phẩm ớt chỉ thiên năng suất cao đang được thu hoạch. Mô hình này có quy mô 5 ha, với 26 hộ ký hợp đồng cho thuê đất, mật độ trồng ớt 20.000 cây/ha, năng suất khoảng 20-25 tấn/ha, trồng 1 vụ/năm, cho thu hoạch 2 đến 3 lượt quả chín/vụ. Hiện tại cây ớt đang thu hoạch lượt quả chín đầu tiên.
Mô hình xây dựng vùng trồng cây khoai lang và các cây trồng khác quy mô lớn gắn liền với tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, định hướng nông nghiệp hữu cơ tại xứ đồng thôn 5, 7, 9 xã Hải Đông do Công ty cổ phần đầu tư thương mại Quốc tế Âu Lạc triển khai. Mô hình có quy mô giai đoạn 1 là 10ha, với tổng số hộ ký hợp đồng cho thuê đất là 71 hộ, năng suất dự kiến 24-26 tấn/ha. Thời gian triển khai 3,5 tháng/vụ. Hiện tại công ty đã bắt đầu thuê nhân công trồng cây khoai lang trên diện tích đất đã thuê 10ha.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đông cho biết: Hai mô hình phát triển kinh tế đang triển khai thực hiện đều gắn liền với tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, định hướng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn xã. Mô hình đang thử nghiệm bước đầu đã cho kết quả khả quan, hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, xã sẽ triển khai nhân rộng ra các xứ đồng, cánh đồng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thay đổi cơ cấu cây trồng không hiệu quả, năng suất và giá trị kinh tế thấp. Bà con nông dân sẽ tự làm trên diện tích đất nông nghiệp của mình, doanh nghiệp sẽ cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Cả hai mô hình đều ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, vi sinh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời định hướng nông nghiệp hữu cơ. Đây là lợi thế rất tốt cho việc cải tạo đất, vì tại các xứ đồng đang lựa chọn làm mô hình đất đã bạc màu, năng suất và sản lượng cây trồng trước khi đưa vào thực hiện mô hình rất thấp, có những đất thửa không thể thực hiện được gieo trồng theo nếp cũ của người dân trên địa bàn. Việc triển khai mô hình đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã (ưu tiên các hộ có đất cho thuê trong mô hình, thu nhập ổn định từ 250.000 đến 350.000 đồng/1 ngày công). Vào vụ thu hoạch ớt thời gian có thể kéo dài trong vòng 2 tháng, huy động nhân công tham gia hàng ngày từ 50 người đến trên 100 người/ngày.
Cũng như Hải Đông, hiện các xã nông nghiệp trên địa bàn TP Móng Cái bằng nhiều cách làm phù hợp với điều kiện từng địa phương đã sản xuất, tiêu thụ, nâng tầm nông sản Móng Cái.
Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó, Móng Cái có 1 sản phẩm 4 sao (cấp lại): Tỏi đen Thái An của HTX Nông – Lâm – Ngư nghiệp Thái An (phường Ninh Dương); 3 sản phẩm 3 sao (cấp mới) là Khau nhục và Bánh chưng Quang Dần Móng Cái của HTX giò chả Quang Dần, phường Ka Long; Thịt tươi lợn Móng Cái - Vạn Thành Phát của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vạn Thành Phát, phường Hải Yên. Các sản phẩm OCOP đã được công nhận sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Một số đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng thực phẩm… đã hình thành được các chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Lợn Móng Cái, Ghẹ Trà Cổ...
Đề án Phát triển sản phẩm OCOP thành phố Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu: Phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng truyền thống, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, góp phần giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của vùng nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ được bản sắc văn hóa, hướng tới mục tiêu “Người dân giàu có - Nông thôn văn minh - Xã hội phát triển”, góp phần xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái phát triển nhanh, bền vững.
Mục tiêu từ nay đến năm 2025, Móng Cái có 100% cán bộ, đảng viên, hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã được tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm OCOP và gắn với chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh;
Quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung sẽ bao gồm: Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Vạn Ninh, Hải Xuân và phường Ninh Dương; vùng nuôi bò tập trung xã Quảng Nghĩa; vùng chăn nuôi, bảo tồn giống lợn Móng Cái xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa; vùng trồng dược liệu Hải Sơn, Bắc Sơn, Hải Tiến, Hải Đông, Quảng Nghĩa; vùng trồng khoai lang Hải Tiến, Hải Đông, Hải Xuân, Vạn Ninh, Bình Ngọc.
Cùng với đó, thành phố sẽ phát triển mới 5 doanh nghiệp, hợp tác xã, có thêm ít nhất 16 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm OCOP là sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia; phát triển các sản phẩm chủ lực gồm: Lợn Móng Cái, Bò, Tôm thẻ chân trắng, Khoai lang, Dược liệu, Du lịch đặc sắc. 30% số sản phẩm OCOP được đưa vào Trung tâm thương mại, siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại gắn với các sản phẩm OCOP nhằm tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương. Mục tiêu xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả ít nhất 01 trung tâm OCOP huyện, cấp tỉnh trên địa bàn thành phố; 100% các doanh nghiệp tham gia OCOP đều xây dựng được website riêng để giới thiệu và bán sản phẩm; ít nhất 50% tổ chức tham gia chương trình OCOP kết nối được với các sàn thương mại điện tử uy tín để bán sản phẩm đã được cấp sao OCOP cấp tỉnh...
Với nhiều nỗ lực và giải pháp căn cơ như trên, Móng Cái đã và đang ngày càng nâng tầm thương hiệu nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tận dụng tối đa lợi thế xuất khẩu nông sản từ khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Thu Hằng (Trung tâm TTVH Móng Cái)
Liên kết website
Ý kiến ()