Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:01 (GMT +7)
NATO cảnh báo Ba Lan không được bắn hạ tên lửa Nga
Thứ 3, 03/09/2024 | 08:49:49 [GMT +7] A A
Quốc gia thành viên Ba Lan dường như đang mâu thuẫn với tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc bắn hạ tên lửa Nga bay qua Ukraine.
Theo hãng thông tấn Tây Ban Nha Europa Press, một phát ngôn viên của NATO ngày 2/9 cho biết: “NATO không phải là một bên tham gia vào cuộc xung đột và sẽ không trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột này”. Người phát ngôn này cũng nhấn mạnh trách nhiệm của khối quân sự do Mỹ đứng đầu là ngăn chặn leo thang.
Theo phát ngôn viên trên, mặc dù mỗi thành viên của NATO đều có quyền bảo vệ không phận của mình, nhưng họ nên tham khảo ý kiến chặt chẽ với những bên khác vì động thái như vậy có thể ảnh hưởng đến toàn bộ NATO.
Kiev đã nhiều lần yêu cầu các nước đồng minh phương Tây bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trong không phận của mình, trong bối cảnh hệ thống phòng không của nước này suy yếu sau hơn 2 năm xung đột. Kiev đã ký với Ba Lan một hiệp ước an ninh về vấn đề này hồi tháng 7, trong đó có các cuộc thảo luận nhằm xem xét cơ sở lý luận và tính khả thi của khả năng đánh chặn tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz khẳng định rằng hành động này sẽ không được thực hiện nếu không có sự chấp thuận của NATO.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Financial Times (FT) gần đây, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski chia sẻ ông ủng hộ ý tưởng bắn hạ các mục tiêu của Nga trên bầu trời Ukraine.
“Khi tên lửa của đối phương đang trên đường xâm nhập không phận của chúng ta, chúng ta cần hành động tự vệ hợp pháp, bởi vì một khi chúng xâm nhập vào không phận của chúng ta, nguy cơ mảnh vỡ làm ai đó bị thương là rất lớn. Tư cách thành viên NATO không quan trọng hơn trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ không phận của chính mình. Đó là nghĩa vụ theo hiến pháp của chúng ta”, Bộ trưởng Sikorski nói với FT.
Trong khi đó, Mircea Geoana, Phó Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của NATO, nói với FT rằng khối quân sự tôn trọng chủ quyền của mọi thành viên trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, nhưng các nước này phải luôn tham vấn trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây ra hậu quả cho cả NATO.
Theo Phó Tổng thư ký Geoana, NATO cũng sẽ “làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine và tránh leo thang căng thẳng”.
Theo Europa Press, tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã thảo luận về kế hoạch xây dựng “lá chắn phòng không” với các quan chức NATO tại Brussels.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()