Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 03/12/2024 23:50 (GMT +7)
Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam
Thứ 4, 08/05/2024 | 07:27:16 [GMT +7] A A
Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đối xử khoan hồng, nhân đạo đối với tù, hàng binh.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị mở cuộc tiến công chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954, để toàn quân thực hiện tốt chính sách đối với tù, hàng binh, ngày 27/11/1953, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phổ biến bản “Tóm tắt chính sách đối với tù hàng binh của Tổng cục Chính trị trong Đông Xuân 1953-1954” tới tất cả các đơn vị, với nội dung gồm năm điểm:
“1- Binh lính địch đã hạ vũ khí hay chịu bắt làm tù binh thì đối xử tử tế, không khinh bỉ dọa nạt, không vuốt ve suồng sã, đồng thời phải đề cao cảnh giác.
2- Tuyệt đối không chửi mắng, đánh đập, bắn giết tù hàng binh.
3- Phải cứu chữa tù hàng binh bị thương.
4- Không được lấy đồ dùng và tiền bạc riêng của tù hàng binh. Vũ khí quân dụng và tài liệu quân sự thì phải tịch thu quỹ công.
5- Luôn luôn tuyên truyền giải thích giác ngộ cho tù hàng binh” (1).
Cũng trong tháng 11/1953, Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức các trại tù binh, hàng binh tiền phương; chỉ đạo củng cố lại các trại của Cục, các trạm tù binh, hàng binh của các đại đoàn, trung đoàn để chuẩn bị mọi mặt cho việc tiếp nhận tù, hàng binh.
Tháng 1/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ban hành “Năm điều kỷ luật chiến trường thi hành trong chiến dịch Đông-Xuân”, trong đó xác định rõ chính sách đối xử nhân đạo và chấp hành đúng chính sách thương binh, tử sĩ một nội dung cốt lõi của năm điều kỷ luật đó.
Để toàn bộ cán bộ, chiến sĩ nắm vững và thực hiện tốt chính sách tù, hàng binh, các đơn vị đã tổ chức quán triệt và yêu cầu tất cả mọi người đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, toàn bộ tù, hàng binh được các đại đoàn đưa ngay về tuyến sau cách mặt trận 3-4 km, từ đó chuyển giao cho các trại tù binh. Tại các trại, họ được chăm sóc y tế và ăn uống đầy đủ theo chế độ quy định; đồng thời được phổ biến, giáo dục chính sách khoan hồng, nhân đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ đó, giúp họ yên tâm, ổn định tinh thần, tâm lý.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi với số tù, hàng binh lớn chưa từng có trong kháng chiến chống Pháp. Yêu cầu công tác quản lý, dẫn giải về phía sau, giáo dục và bảo đảm đời sống, ăn, ở cho họ đặt ra rất lớn. Đối với số tù binh bị thương, bị bệnh nặng không thể đi theo các đoàn dẫn giải về phía sau, Bộ Chỉ huy mặt trận thiết lập bốn trạm quân y dã chiến tổ chức cứu chữa và nuôi dưỡng. Bộ Tổng Tư lệnh đã phóng thích và trao trả ngay tại mặt trận cho phía Pháp 858 sĩ quan và binh sĩ Pháp bị thương, trong đó có một tù binh nữ duy nhất là cứu thương Geneviève de Gallard được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc cách cho thả trước (2).
Ngoài số tù binh nêu trên, toàn bộ tù, hàng binh ở Điện Biên Phủ sau khi phân loại sơ bộ, được tổ chức thành từng đoàn theo đội ngũ, được dẫn giải về phía sau theo hai hướng: Điện Biên Phủ-Yên Bái, Tuyên Quang và Điện Biên Phủ - Thanh Hóa. Đây là những địa điểm đã chuẩn bị sẵn các trại để tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dự định sẽ là nơi trao trả cho phía Pháp. Sau thời gian khoảng từ 28 đến 40 ngày tùy theo từng cung đường, các đoàn tù, hàng binh về đến vị trí tập kết. Thực hiện đúng các điều khoản của Hiệp định Geneva và những thỏa thuận ở Hội nghị Trung Giã với phía Pháp, tùy theo điều kiện cụ thể, toàn bộ tù binh đã được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả cho phía Pháp hoặc tổ chức cho hồi hương hay ở lại Việt Nam làm ăn sinh sống theo nguyện vọng. Đợt trao trả thứ nhất bắt đầu từ ngày 15/8/1954 và đợt cuối kết thúc vào hạ tuần tháng 9/1954.
Cùng với việc thực hiện chính sách nhân đạo đối với tù, hàng binh tại mặt trận Điện Biên Phủ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nêu rõ chính sách đối với binh lính và nhân viên chính quyền Bảo Đại tự nguyện bỏ hàng ngũ trở về quê hương, gia đình ở vùng tạm chiếm. Tháng 3/1954, Hội đồng Chính phủ thông qua Chính sách đối với ngụy binh và nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về với Tổ quốc, trong đó nêu rõ: “Sĩ quan, binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch trở về với Tổ quốc được khoan hồng, được hưởng tự do và quyền lợi công dân. Những người mang vũ khí về với kháng chiến, những người giết địch lập công thì sẽ được khen thưởng tùy theo công trạng.
Nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về với Tổ quốc sẽ được khoan hồng, được hưởng tự do và quyền lợi công dân… Sĩ quan, binh lính ngụy quân, nhân viên ngụy quyền có gia đình ở vùng tự do mà bỏ hàng ngũ địch về nhà làm ăn lương thiện sẽ được chiếu cố” (3).
Chính sách khoan hồng, nhân đạo của Chính phủ đối với binh sĩ người Việt trở về với Tổ quốc được tuyên truyền rộng rãi, cùng với tác động của những thắng lợi ở khắp các chiến trường, đặc biệt là ở Điện Biên Phủ, đã tác động sâu sắc tới tư tưởng, tinh thần binh sĩ và nhân viên chính quyền địch. Từ cuối năm 1953 đến tháng 9/1954, có tới hơn 15 vạn binh sĩ, sĩ quan trong “Quân đội quốc gia” của chính quyền Bảo Đại bỏ ngũ trở về quê (4). Trước tình hình đó, Trung ương nêu rõ chủ trương đối với binh lính bỏ về quê gồm bốn điểm, trong đó nhấn mạnh việc lập trạm chiêu đãi tiếp nhận, chính quyền xã phải sắp xếp công ăn việc làm cho họ nếu họ không có điều kiện sinh sống, cấm không được phát động quần chúng tiến hành tố cáo…” (5).
Những chủ trương kịp thời và đầy tính nhân văn của Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần làm cho binh lính người Việt ổn định tâm lý, yên tâm trở về gia đình, quê hương làm ăn; đồng thời, những chính sách đó cũng góp phần nhanh chóng ổn định tình hình sau chiến tranh, bảo đảm trật tự, trị an và đời sống, sinh hoạt của đông đảo nhân dân.
Trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện nhất quán chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với tù, hàng binh... Đó chính là một nét đặc sắc của truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam.
------------------------
(1) Tóm tắt chính sách đối với tù hàng binh của Tổng cục Chính trị trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Tổng cục Chính trị, hồ sơ PQ 32.
(2) Dẫn theo: Tổng cục Chính trị - Cục Dân vận và tuyên truyền đặc biệt, Lịch sử Cục Dân vận và tuyên truyền đặc biệt (1947-2007), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.189.
(3) Chính sách đối với nguỵ binh và nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về với Tổ quốc, Tổng cục Chính trị xuất bản, 1954, tr.1-2.
(4) Tổng Quân ủy, Báo cáo về việc chấp hành chính sách khoan hồng ở các địa phương đối với binh lính Bảo Đại bỏ về quê và mấy ý kiến đề nghị bổ khuyết, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 131, tờ 1.
(5) Bốn điều chú trọng của Trung ương đối với nguỵ binh về quê, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 131, tờ 4.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()