Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:39 (GMT +7)
Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ
Thứ 4, 27/03/2024 | 15:53:36 [GMT +7] A A
Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ công tác là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh. Nhờ nâng cao ý thức, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh đã góp phần to lớn vào những thành tựu mà Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua.
Trong nhiều cuộc làm việc với các đồng chí lãnh đạo địa phương, cũng như trò chuyện với cán bộ, đảng viên, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh luôn nhấn mạnh: Muôn việc thành bại ở địa phương là do công tác cán bộ mà người đứng đầu là bí thư cấp ủy cùng ban thường vụ chịu trách nhiệm toàn diện về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ở địa phương. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng người đứng đầu và cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, ngại va chạm. Phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương, nhất là của người đứng đầu, để thúc đẩy mọi mặt công tác ở địa phương.
Từ quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu tỉnh, thời gian qua, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trên địa bàn tỉnh đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác và cuộc sống; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; thực hiện tự phê bình và phê bình; thường xuyên “tự soi, tự sửa” để không ngừng hoàn thiện bản thân...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ sát với điều kiện, tình hình của cơ quan, đơn vị, với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện”, tập trung trong 5 mối quan hệ: Đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị; đối với đồng chí, đồng nghiệp; đối với việc nêu gương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đối với bản thân. Đến nay, có 945 cơ quan, đơn vị đã rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức bảo đảm yêu cầu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị. Trong đó có 912 cơ quan, đơn vị đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức đã đề ra.
Điển hình như trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc chấp hành chế độ tiếp công dân định kỳ theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; theo Luật Tiếp công dân năm 2013. Các đồng chí bí thư cấp huyện, cấp xã đã chủ động dành thời gian trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân; nghe và chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của công dân. Đặc biệt, ở những địa phương thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cùng cấp, việc tiếp công dân của bí thư cấp ủy được thực hiện trực tiếp, đều đặn, hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nêu gương thực hiện tiếp công dân định kỳ. Tại các buổi tiếp công dân đã có sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh; đồng thời Hội đồng Tiếp công dân tỉnh đều thực hiện kết nối trực tuyến với các địa phương có công dân kiến nghị, khiếu nại để nghe thấu đáo vụ việc và có hướng chỉ đạo giải quyết phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch…
Người lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm trong công tác, luôn có nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng công việc; lựa chọn các vấn đề bức xúc, phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề được cán bộ, đảng viên và dư luận quan tâm để tập trung giải quyết. Điều này được biểu hiện rõ qua việc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo đột phá, đem lại hiệu quả cao, tập trung vào những việc mới, việc khó. Điển hình như nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính; lựa chọn được những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đổi mới nhận thức, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công chức, công vụ; thực hiện 3 đột phá chiến lược; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới...
Cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm rõ rệt hơn trong công việc được giao; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận trong nhân dân; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng gia đình, tổ dân, khu phố văn hoá... Từ đó, góp phần củng cố nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()