Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 02:20 (GMT +7)
Nga chỉ trích Đức vì đóng băng dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Thứ 5, 03/03/2022 | 09:49:12 [GMT +7] A A
Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích động thái đóng băng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Chính phủ Đức.
“Giờ đã quá rõ ràng, giới chức Đức đã không nhất quán, không thể vượt qua áp lực từ bên ngoài và sử dụng dự án này làm đòn bẩy chống lại Nga. Điều này cho thấy họ không có khả năng tách biệt chính trị với kinh tế”, đài Sputnik (Nga) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã chỉ trích hành động không đáng có của Berlin. Bà Zakharova nhấn mạnh thực tế Dòng chảy phương Bắc 2 không gây đe dọa an ninh năng lượng, đồng thời cảnh báo động thái của Đức sẽ khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt.
“Việc triển khai kịp thời đường ống này nhằm vụ lợi ích của cả Nga và châu Âu. Tuy nhiên, điều này sẽ không diễn ra trong tương lai gần, vì dự án đã trở thành con tin của những âm mưu chính trị. Có thể thấy rằng hậu quả không thể tránh khỏi là giá khí đốt tăng vọt tại thị trường châu Âu”, quan chức này nói thêm.
Nữ phát ngôn viên cho rằng các nhà đầu tư Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ có quyền khởi kiện Chính phủ Đức và yêu cầu bồi thường vì quyết định ngừng phê duyệt dự án. Bà nhấn mạnh hành động này đã làm suy giảm danh tiếng của Berlin với tư cách là một đối tác kinh doanh quốc tế đáng tin cậy.
Berlin đã quyết định đóng băng dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine. Dự án này sẽ không thể vận hành nếu bị chặn lại ở bước được phê duyệt và cấp phép.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài hơn 1.200 km dưới biển Baltic đã hoàn thành hồi tháng 9/2021. Được thiết kế với mục đích tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga trực tiếp sang Đức, nếu đi vào hoạt động, dự án sẽ có công suất lên đến 110 tỷ m3/năm. Khoảng một nửa chi phí của dự án 10,6 tỷ USD này do các công ty châu Âu tài trợ.
Nga kỳ vọng có thể đẩy mạnh nguồn cung khí đốt đến châu Âu và dựa vào các đường ống dẫn dưới biển thay vì hệ thống ở trên mặt đất vốn đi qua Ba Lan và Ukraine. Hệ thống đường ống trên mặt đất này đã “có tuổi” và thiếu hiệu quả. Ngoài ra, Ba Lan và Ukraine cũng tính phí quá cảnh khá cao.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()