Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:52 (GMT +7)
Ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm
Thứ 3, 07/03/2023 | 06:44:06 [GMT +7] A A
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ phát triển chăn nuôi, hiện tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, từ năm 2022 đến nay, cả nước xuất hiện 25 ổ dịch cúm gia cầm do vi rút A/H5N1 (tỉnh Quảng Ninh phát sinh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại huyện Đầm Hà); cúm A/H5N6 tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ trên 100.000 con gia cầm; trên 1.260 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 54 tỉnh, thành phố, buộc tiêu huỷ trên 60.000 con lợn; trên 260 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 17 tỉnh với 2.300 con trâu, bò mắc bệnh; 22 ổ dịch bệnh lở mồm long móng tại 8 tỉnh với 570 con gia súc mắc bệnh.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, tình hình dịch bệnh thực tế còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với dịch tả lợn châu Phi. Nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh khả năng tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Thông qua giám sát chủ động cho thấy, các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và quần thể gia súc, gia cầm. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi hiện có số lượng lớn, bên cạnh đó thời tiết thay đổi và có diễn biến phức tạp, đây cũng là điều kiện thuận lợi các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi...
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn cho phát triển chăn nuôi, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường rà soát, thống kê hộ chăn nuôi, số gia súc, gia cầm, trong đó triển khai tiêm vắc-xin đợt 1/2023 để phòng các bệnh nguy hiểm, như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại... Trong đó, đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có ổ dịch cũ, có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc-xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch.
Các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cũng chủ động phối hợp giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, qua đó nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào, tránh gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng, các đơn vị chức năng của tỉnh, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu, lối mở, khu vực biên giới, cảng biên, đường sông... đã tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, động vật và sản phẩm từ động vật vận chuyển bất hợp pháp. Đồng thời, có biện pháp đối với trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn thực phẩm; lồng ghép để tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển, sử dụng sản phẩm từ gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc...
Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng thường xuyên tổng hợp tình hình dịch bệnh và công tác báo cáo tình hình dịch bệnh trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); tăng cường kiểm dịch để đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi xuất tỉnh. Đồng thời, phối hợp xử lý gia súc, gia cầm nhập tỉnh không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch...
Mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản số 385/UBND-NLN3 (ngày 1/3/2023) về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 883/BNN-TY (ngày 21/3/2023) về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nội dung trong Kế hoạch số 48/KH-UBND (ngày 24/2/2023) của UBND tỉnh về phòng, chống dịch trong ngành nông nghiệp năm 2023...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()