Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:36 (GMT +7)
Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mua bán người
Thứ 3, 16/01/2024 | 10:42:47 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, thông tin về tình trạng lừa đảo đưa người sang nước khác trái phép để bóc lột sức lao động khiến nhiều người dân hoang mang. Là tỉnh có địa hình khá phức tạp, công tác phòng, chống mua bán người càng được Quảng Ninh quan tâm.
Tỉnh thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo 138 Quảng Ninh (Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người); đồng thời ban hành kế hoạch phòng, chống buôn bán người hàng năm. Các sở, ngành, cơ quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người.
Để phòng ngừa tội phạm mua, bán người, công tác tuyên truyền được tăng cường. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tích cực tổ chức tuyên truyền với hình thức đa dạng, trực quan sinh động. Tiêu biểu như TP Hạ Long in ấn và treo 500 pano, áp phích khẩu hiệu treo dọc tuyến quốc lộ 18A đoạn đi qua TP Hạ Long và các tuyến phố chính. Hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) in ấn hơn 8.000 sổ tay hỏi, đáp chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người để cấp phát cho cộng tác viên, người uy tín tại địa phương. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 5 buổi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới...
Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, các lực lượng chức năng như Công an, biên phòng... tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trên các địa bàn có tuyến biên giới nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động mua bán người và xuất, nhập cảnh trái phép, đưa dẫn người qua biên giới. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 391 công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép. Thông qua các hoạt động tuần tra đã lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân đối với công tác xuất nhập cảnh, phòng, chống mua bán người...
Công an tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài và quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người. Lực lượng Công an triển khai Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn năm 2023; tổ chức tổng rà soát, lên danh sách theo các diện đối tượng, như: số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi bị mua bán; số nạn nhân trong các vụ án hiện còn ở nước ngoài; số đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội mua bán người… Trên cơ sở đó triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người.
Công tác phối hợp giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng được tỉnh chú trọng. Từ tháng 9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp nhận 10 nạn nhân bị mua bán.
Cụ thể, Phòng LĐ-TB&XH Móng Cái phối hợp với Công an thành phố và Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tiếp nhận 8 nạn nhân trở về từ Trung Quốc. Còn Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận điều tra 1 vụ với 3 đối tượng (Đào Duy Lâm, 35 tuổi, thường trú tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long; Nguyễn Thế Anh, 44 tuổi và Lê Thị Sen, 29 tuổi, đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Thọ Sơn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, qua đó giải cứu thành công 3 nạn nhân nữ (2 nạn nhân bị đưa ra Quảng Ninh). Vụ án này do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang phát hiện, khởi tố sau đó chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh để điều tra theo thẩm quyền. Ngày 12/12/2023, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt từ 12 đến 14 năm tù giam về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Trung tâm công tác xã hội tỉnh tiếp tục duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24h để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp; bố trí 10 phòng tạm lánh; kiện toàn hội đồng tư vấn, trợ giúp, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán... cho nạn nhân bị mua bán khi có nhu cầu. Còn Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện đang chăm sóc 3 trẻ em bị mua bán trở về. Các cháu đều dưới 16 tuổi. Cơ sở thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo các cháu được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở nhà trường nơi các cháu đang theo học…
Hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người đã góp phần đảm bảo tốt công tác an ninh, trật tự trên địa bàn Quảng Ninh; tạo an tâm cho người dân tập trung phát triển kinh tế.
Thu Nguyệt
- TP Hạ Long: Triển khai thí điểm 5 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân
- BĐBP Quảng Ninh chú trọng tuyên truyền phòng chống mua bán người
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người
- Tích cực hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người tại các cơ sở trợ giúp xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()