Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:04 (GMT +7)
Ngành GT-VT: Nhiều biện pháp ứng phó với mưa bão
Thứ 5, 15/07/2021 | 09:29:05 [GMT +7] A A
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7, bão và áp thấp bắt đầu xuất hiện ở vùng biển phía Đông Bắc, các cơn bão có xu hướng di chuyển mạnh hơn, phức tạp hơn; lượng mưa dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình năm trước. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, ngành GT-VT đã sớm xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão.
Dù sở hữu nhiều công trình giao thông nổi bật, tiêu biểu như sân bay, đường cao tốc… song với địa hình trải dài, nhiều đồi núi, Quảng Ninh còn đến hơn 1.000km đường giao thông là quốc lộ và tỉnh lộ, gần 60 bến cảng khách, hàng hóa. Trong số đó, nhiều tuyến đường, cầu, bến cảng đã được đầu tư từ lâu, hạ tầng chưa thực sự đồng bộ. Thêm nữa, còn có những công trình đang trong quá trình xuống cấp, hoặc đã xuống cấp do nguồn vốn bảo trì có hạn, phân khai hàng năm tập trung vào các dự án cấp bách… vì thế nếu gặp thời tiết cực đoan, mưa bão phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn, mất an toàn từ những công trình như vậy sẽ rất cao.
Nhìn lại mùa mưa bão năm 2020, dù trên địa bàn tỉnh không xảy ra nhiều đợt mưa bão, tuy nhiên, mưa lớn xảy ra có cường độ từ mạnh đến rất mạnh, tập trung chủ yếu vào tháng 8 với 7 đợt mưa lớn, tổng lượng mưa cao hơn năm 2019. Các đợt mưa đã tác động nặng nề đến các công trình giao thông, khiến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn xuất hiện một số vị trí bị sạt lở cục bộ; tại các tuyến quốc lộ như: 18, 18B, 18C, 279, 4B có đến 98 điểm sạt lở mái taluy dương, đất trôi tràn mặt đường, xói lề đường, hư hỏng rãnh dọc; trên các tuyến tỉnh lộ như 326, 329, 334, 337 xuất hiện 167 điểm sạt lở taluy dương, gây ngập lụt ở tỉnh lộ 345 lên đến 1m, khiến các đơn vị quản lý đường bộ phải lắp đặt rào chắn và bố trí cảnh giới; giao thông một số khu vực bị ngưng trệ, kinh phí sửa chữa, khắc phục thiệt hại gần 9 tỷ đồng.
Bước vào giai đoạn đầu mùa mưa bão năm 2021, nhận định các đợt nắng nóng kéo dài thời gian qua, báo hiệu sẽ xuất hiện thời tiết cực đoan trong thời gian tới, Sở GT-VT đã chủ động, xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp phòng, chống mưa bão để hạn chế thấp nhất những tác động. Cụ thể, Sở GT-VT đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Sở, xác định rõ nhiệm vụ phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Vì thế, Sở đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành, nhà đầu tư BOT tổ chức kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT&TKCN năm 2020 và lập phương án cụ thể để triển khai nhiệm vụ năm 2021 bám sát với thực tiễn khu vực phụ trách.
Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức rà soát, phối hợp với nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kiên cố hóa những đoạn đường có nguy cơ mất an toàn. Đối với các vị trí đèo dốc, xung yếu có khả năng sụt trượt, đứt đường, ngành huy động nhân lực, phương tiện máy móc, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, gia cường mặt đường bị hư hỏng. Song song với đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu, thanh thải lòng cầu, lòng cống, chặt tỉa, đốn hạ cây có thể gây mất an toàn; chủ động xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông, dự phòng nguyên vật liệu (đá hộc, rọ thép, ống cống…) tại các vị trí trung tâm, dễ lấy, dễ vận chuyển...
Đáng chú ý, Sở GT-VT đã yêu cầu Công ty CP BOT Biên Cương rà soát các vị trí sụt trượt trên tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, xây dựng kịch bản cụ thể cho từng vị trí để có kế hoạch ứng phó kịp thời, đảm bảo giao thông khi xảy ra; yêu cầu BOT cầu Bạch Đằng hoàn thiện hồ sơ kịch bản phân luồng giao thông khi có gió bão vượt cấp. Ban Quản lý cầu Bãi Cháy chủ động thực hiện phương án cấm cầu khi gió vượt cấp quy định…
Đối với các dự án giao thông đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, Sở yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phương án riêng, cụ thể, sát với thực tế để chủ động phòng chống mưa bão; đảm bảo đúng tiến độ thi công đã cam kết; quan tâm đặc biệt đến việc thoát nước, xử lý những mái taluy âm dương có nguy cơ sạt lở cao tại các vị trí thi công gần khu dân cư, đăng ký sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, thiết bị khi có huy động.
Với hệ thống giao thông đường thủy nội địa, Sở GT-VT yêu cầu các đơn vị thành viên liên quan chủ động kiểm tra hệ thống báo hiệu, thay thế, sửa chữa các biển hiệu không đạt yêu cầu, bố trí và thông báo rộng rãi các vị trí tránh trú bão cho tàu, thuyền khi mưa bão về. Các tàu đảm bảo giao thông trên các tuyến, luôn thường trực, sẵn sàng tham gia khi sự cố xảy ra.
Đồng thời, sớm thiết lập đầu mối thông tin liên lạc, kiểm soát chặt chẽ thiết bị định vị GPRS và radio trên các phương tiện thủy, tàu du lịch hoạt động đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long và các tuyến đảo. Cập nhật danh sách tàu, thuyền du lịch, tàu vận tải hành khách và số lượng khách ra các tuyến đảo; thống nhất thông tin liên lạc, nâng cao công tác dự báo để thông tin đến du khách, sẵn sàng phương án di chuyển khách khi có tin bão. Cảng vụ đường thủy nội địa không cấp phép rời cảng, bến cho các tàu, thuyền không đảm bảo an toàn…
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()