Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:31 (GMT +7)
Ngành mía đường: Bất cập trong quan hệ mua - bán mía nguyên liệu
Thứ 7, 16/10/2021 | 12:13:55 [GMT +7] A A
Nhà máy đường và người nông dân trồng mía ở Việt Nam, có thể nói là có mối quan hệ “cộng sinh”. Thế nhưng, nhìn từ góc độ lợi ích, thì mối quan hệ này chưa có cơ sở khẳng định được có sự công bằng trong khâu tiêu thụ, mua bán mía nguyên liệu, bất cập vẫn xảy ra, mà phần thiệt thòi thì luôn luôn thuộc về những người nông dân vốn bị yếu thế trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo của các nhà máy đường, niên vụ mía đường 2020/2021, sản lượng mía nguyên liệu được các nhà máy tiêu thụ và đưa vào chế biến chỉ đạt 6.739.417 tấn (dự kiến đầu vụ là 7.498.060 tấn). Đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 niên vụ mía đường gần đây tính từ vụ 1999/2000. Số lượng các nhà máy đường hoạt động cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ còn 25 nhà máy hoạt động.
Tại Hội nghị Tổng kết niên vụ mía đường 2020/2021, diễn ra mới đây, do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tổ chức, đại diện VSSA, cho biết: Các nguyên nhân khiến sụt giảm sản lượng mía tiêu thụ và chế biến, cũng như những bất cập nảy sinh trong mua - bán mía nguyên liệu niên vụ 2020/2021, bao gồm: Thứ nhất, là do một số vùng mía tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bão lụt làm suy giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía.
Thứ hai, giá đường các vụ trước xuống thấp do tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài, từ lậu và gian lận thương mại. Mặc dù đầu năm 2021, khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT ngày 09/02/2021, áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, thì các nhà máy đường đã ngay lập tức nâng giá mua mía cho nông dân từ 800.000 đồng - 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 đồng - 1.100.000 đồng/tấn (tùy theo vùng), nhằm khuyến khích người nông dân duy trì diện tích trồn mía, mở rộng thêm diện tích trồng mới, từng bước khôi phục diện tích vùng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, do là quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống tợ cấp tạm thời, thời điểm ban hành quyết định cũng rơi vào giai đoạn cuối vụ sản xuất mía không thuận lợi cho việc trồng mới cây mía ở đa số các vùng nguyên liệu, cho nên người nông dân cũng không thể ngay lập tức tăng được diện trồng mía.
Thứ ba, diện tích mía nguyên liệu giảm, nhưng vào vụ chế biến thì giá đường tăng, nên tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng nguyên liệu. Trong đó, tình trạng tranh mua diễn ra gay gắt ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Một số nhà máy đường hoặc thương lái mía cạnh tranh không lành mạnh, đã dùng các chiêu “cho chữ đường”, “cho tỷ lệ tạp chất”, “cho cước vận tải”… đối với nông dân để tranh mua mía nguyên liệu. Trong khi đó, người nông dân tại một số địa phương, do nhận thức cùng với thói quen sản xuất còn bất cập, khi thu hoạch mía thường không làm sạch nguyên liệu theo đúng quy chuẩn, mà thường chấp nhận bị trừ tỷ lệ % tạp chất cao, có nơi lên tới 5% hoặc 6%, không chỉ ảnh hướng đến giá trị của cây mía và thu nhập của chính người trồng mía, mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả chế biến của các nhà máy đường.
Đại diện VSSA, đánh giá, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua “chính sách ngầm”, đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết lành mạnh giữa các nhà máy đường với người nông dân trồng mía, gây bất ổn cho sự phát triển của các vùng nguyên liệu mía tập trung.
Đặc biệt, hình thức mua mía nguyên liệu và thanh toán tiền mía giữa các nhà máy đường với người nông dân hiện nay, phổ biến nhất vẫn là căn cứ theo “chữ đường (CCS)”. Giá trị cuối cùng các nhà máy trả cho nông dân khi thu mua mía nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu bởi chỉ số CCS và tỷ lệ tạp chất. Cụ thể, sau khi nguyên liệu mía được đưa về các nhà máy, bộ phận kiểm nghiệm chất lượng (KCS) sẽ lấy mẫu bằng cách khoan, hoặc rút ngẫu nhiên một số cây mía của từng xe mía, đem đi đánh giá tạp chất (phần ngọn quá non, bẹ lá, lá, rễ… còn dính trên cây mía) và phân tích CCS; hoặc lấy nước mía che ép đầu của từng xe/lô mía đem đi phân tích CCS; hoặc sử dụng hệ thống cận hồng ngoại (NIR) để xác định CCS theo hướng dẫn QCVN01-98:2012/BNNPTNT. Sau đó, căn cứ vào tỷ lệ tạp chất và CCS xác định được, trên cơ sở đơn giá mua mía sạch/10 CCS/tấn, các nhà máy đường sẽ tính toán và thanh toán tiền cho nông dân.
Điều đáng nói ở chỗ, toàn bộ quá trình lấy mẫu, đánh giá tạp chất và phân tích CCS, là do các nhà máy đường thực hiện. Dù trang thiết bị và quy trình phân tích đều đã được các cơ quan đo lường chất lượng kiểm tra, kiểm định định kỳ theo quy định về quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Nhà nước, thế nhưng, qui trình lấy mẫu và đánh giá tạp chất và CCS vẫn có nhiều lỗ hổng kỹ thuật, đặc biệt là việc thực hiện không có tính độc lập, nên rất dễ dẫn đến tiêu cực, không thể đảm bảo được tính công bằng, minh bạch, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của nông dân, gián tiếp ảnh hưởng đến mối quan hệ cộng sinh giữa nhà máy đường và nông dân.
Theo khảo nghiệm của Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam, thì trong tất cả các giống mía người nông dân đang trồng tại Việt Nam hiện nay, không có một giống mía nào có chữ đường dưới 10 CCS, đa số là từ 11 CCS trở lên, thậm chí có những giống đạt tới 13 hoặc 14 CCS. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết niên vụ mía đường 2020/2021, do VSSA công bố, cho thấy, CCS bình quân mía nguyên liệu vụ này do chính các nhà máy đường đánh giá cũng vẫn chỉ ở mức 10,2 CCS.
Ông Hồ Thành Biên, một trong những nông dân được cho là xuất sắc về canh tác mía ở tỉnh Tây Ninh, than vãn: Các nhà máy đường vẫn mua mía với giá thấp hơn giá trị thực. Với trình độ canh tác của mình, cùng với việc tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa… để nâng cao năng suất, chất lượng, ông Biên nhận định, chữ đường mía nguyên liệu của ông phải đạt từ 11 CCS trở lên. Nhưng khi bán mía nguyên liệu, mía của ông Biên cũng chỉ được nhà máy đường đánh giá khoảng 10 CCS (hoặc nhỉnh hơn). Ông Biên cho biết, ông không tin kết quả như vậy là chính xác, nhưng nông dân không có đủ kiến thức về vấn đề này, không có đủ phương tiện kỹ thuật, điều kiện để giám sát, nên không có cách nào khác là chấp nhận kết quả đánh giá của nhà máy đường.
“Cây mía đi trước, hạt đường theo sau”, câu nói này trong ngành mía đường, chắc ai cũng hiểu. Thậm chí, cây mía còn được ví như nước, các nhà máy đường là cá, không có nước thì cá sẽ chết. Nghịch lý ở chỗ, dù có cây mía mới làm ra hạt đường, nhưng thị trường đường (giá cả) lại quyết định sự phát triển ổn định hay không của cây mía. Một chuyên gia trong ngành mía đường đã chua xót ví von rằng: Thật kỳ lạ, chữ đường CCS tại Việt Nam lại không tùy thuộc vào giống mía, mà chủ yếu phụ thuộc vào giá đường. Tức vụ nào giá đường trên thị trường tăng, nhà máy đường tiêu thụ tốt và có lời, sản lượng mía sụt giảm, thì thường CCS mía của nông dân cũng được các nhà máy đánh giá tăng lên, ngược lại giá đường giảm, thì CCS thường cũng bị đánh tụt giảm.
Chừng nào, những khúc mắc về phân tích xác định CCS, đánh giá tạp chất trong mía nguyên liệu còn chưa được minh bạch, rõ ràng, công bằng; cũng như chưa có sự chia sẻ lợi ích công bằng, hài hòa, thì chắc chắn mối quan hệ “cộng sinh” giữa nhà máy đường và người nông dân vẫn sẽ còn lỏng lẻo và dễ dàng bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Thật bất công với người nông dân, trong khi đóng góp của cây mía để làm ra giá trị của hạt đường ước tính lên đến khoảng 65-70%, song nông dân lại luôn ở vị trí yếu thế. Ông Biên đề nghị, các nhà máy đường cần phải trung thực, minh bạch, công bằng trong qui trình đánh giá, phân tích xác định tạp chất cũng như CCS, có như vậy thì người nông dân trồng mía mới yên tâm và tin tưởng vào các nhà máy đường.
Theo Báo Công thương
Liên kết website
Ý kiến ()