Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:06 (GMT +7)
Ngành nghề nào được dự báo sẽ ‘hot’ trong 5-6 năm tới?
Thứ 2, 20/02/2023 | 09:44:02 [GMT +7] A A
Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động chia sẻ, xu hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng mà học sinh, sinh viên, người lao động quan tâm, quyết định rất lớn đến việc chọn ngành nghề và sự thành công của tất cả mọi người.
Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, những biến động về kinh tế, xã hội và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, kéo theo sự cần thiết về nguồn nhân lực.
Vì vậy, tham khảo xu hướng nghề nghiệp sẽ có thể làm học sinh thay đổi suy nghĩ và quan niệm bản thân về một nghề nào đó. Ngoài ra, việc xem xét xu hướng nghề nghiệp hiện nay cũng sẽ giúp giảm đi khá nhiều rủi ro trong quá trình tìm việc, tìm nghề trong tương lai.
Theo dự báo, trong 5 năm tới sẽ có 6 nhóm ngành phát triển mạnh.
Đầu tiên là nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật: cơ điện tử, tự động hóa, nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô - tàu thủy, điện - điện tử, công nghệ hàn, công nghệ dệt - sợi - may; quản trị viên của các ngành kỹ thuật cùng các nhóm ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc (kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị - thiết kế nội thất...), công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu, năng lượng, công nghệ môi trường.
Thứ 2 là nhóm ngành công nghệ thông tin, phát triển chuyên sâu khoa học máy tính, công nghệ thông tin - lập trình và phần mềm (bảo mật mạng, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh - hoạt hình) và trí tuệ nhân tạo.
Nhóm ngành thứ ba là nhóm ngành quản trị kinh doanh - kinh doanh quốc tế - tài chính - ngân hàng kết hợp các chuyên ngành quản trị rủi ro, quản lý chất lượng - quản trị kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội - kinh doanh, tư vấn tài chính, quản lý dự án khoa học môi trường - hàng không, logistics và chuỗi cung ứng, quản lý văn phòng cao cấp, truyền thông marketing - digital marketing, tài chính kế toán, kiểm toán, ngân hàng, tài chính doanh nghiệp.
Nhóm ngành thứ 4 là về khoa học xã hội, du lịch - nhà hàng - khách sạn khách sạn - ẩm thực, sư phạm kỹ thuật và sư phạm giáo dục, luật, ngôn ngữ (Anh, Nhật, Trung, Hàn), quan hệ công chúng - tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện Đông phương học và tâm lý các chuyên ngành.
Nhóm ngành thứ 5 là chăm sóc sức khỏe: y, dược, điều dưỡng, nha (răng - hàm - mặt), các chuyên ngành quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, nghiên cứu gen và dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và sức khỏe.
Và thứ 6 là nhóm ngành công nghệ nông - lâm (khoa học cây trồng, chăn nuôi - thú y, lâm sinh, công nghệ sau thu hoạch), công nghệ thủy - hải sản (nuôi trồng, chế biến) và công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học - hóa (dược, sinh, mỹ phẩm, thực phẩm...).
Ông Tuấn cho rằng, với sự phát triển của 6 nhóm ngành nêu trên, một số ngành nghề truyền thống như thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nghề nông, thư ký, đánh máy và nhập dữ liệu.... đang có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, việc mất hẳn một số nghề này còn phải mất một thời gian khá dài nữa.
Theo dự báo, những năm tới trong giai đoạn 2025 - 2035, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Vì vậy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động.
Trong chương trình Tư vấn mùa thi được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Công ty Groove Technology chia sẻ những dự báo xu hướng lao động cho 5 - 6 năm tới.
Theo bà Mai, những ngành học về khoa học tự nhiên sẽ giúp có được các công việc trong tương lai. Bên cạnh đó, những ngành chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, kế toán kiểm toán vẫn tiếp tục có nhu cầu tăng đều. Các ngành khoa học xã hội như giáo viên, các ngành ngôn ngữ cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều. Riêng về công nghệ thông tin, bà Mai cho biết một xu hướng tuyển dụng đang rất mạnh từ năm 2022 mà chưa có dấu hiệu dừng lại là tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin cho chính doanh nghiệp của mình.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()