Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:38 (GMT +7)
Chủ động phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Thứ 5, 11/04/2024 | 11:41:35 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1 ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Đầm Hà và đã được khoanh vùng xử lý. Các bệnh khác trên gia súc, gia cầm xảy ra lẻ tẻ tại một số địa phương và không phát sinh thành dịch. Tuy nhiên, vào thời điểm thời tiết giao mùa như hiện nay và thời hạn bảo hộ vắc-xin đã hết hiệu lực, ngành Nông nghiệp đang tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung tiêm phòng vắc-xin đợt I/2024 cho đàn vật nuôi theo kế hoạch, phấn đấu đạt trên 80% tổng đàn nhằm kiểm soát tốt dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Tổng đàn vật nuôi của huyện Tiên Yên hiện có 615.500 con, trong đó, gà Tiên Yên là đối tượng nuôi chủ lực của địa phương chiếm tới 534.000 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi cũng từ cuối năm 2023, huyện Tiên Yên đã chỉ đạo 11 xã, thị trấn rà soát kế hoạch cũng như nhu cầu phát triển đàn gia cầm nói chung, gà Tiên Yên nói riêng, qua đó xây dựng phương án tiêm phòng. Huyện chọn 2 xã có quy mô lớn về chăn nuôi gà là Phong Dụ và Hà Lâu để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm, nhằm hình thành và nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn cũng như hướng tới nhân rộng tới tất cả các xã, thị trấn.
Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Năm 2024, huyện xây dựng kế hoạch phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 1,5 triệu con. Để đảm bảo phát triển sản xuất, công tác phòng dịch cho đàn vật nuôi luôn được huyện Tiên Yên chủ động triển khai. Năm nay, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn được huyện triển khai vào 2 đợt chính, trong đó đợt 1 từ tháng 4-5 và đợt 2 từ tháng 9-10/2024. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành mua sắm vắc-xin để đảm bảo cung ứng cho các xã trên địa bàn thực hiện tiêm phòng đợt I, bắt đầu trong tháng 4 này. Huyện cũng cấp phát 972 lít hóa chất khử trùng cho các xã, thị trấn tổ chức triển khai vệ sinh khử trùng tiêu độc đợt 1 trong tháng 3 vừa qua.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, lĩnh vực chăn nuôi chịu tác động không nhỏ do tình hình thời tiết diễn biến có nhiều bất lợi đến hoạt động sản xuất. Trong quý I đã tổ chức 4 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống rét đậm, rét hại tại các địa phương trong tỉnh. Công tác kiểm soát dịch bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT triển khai kịp thời.
Trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát sinh 5 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó tại 3 địa phương là Đầm Hà, Ba Chẽ, Hạ Long; ghi nhận 1 ổ dịch cúm gia cầm tại Đầm Hà và đã được khoanh vùng xử lý. Các bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản khác xảy ra lẻ tẻ tại các địa phương và đã được kiểm soát kịp thời không để lây lan phát sinh thành dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu văn bản thông báo kết quả và hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các chủ hộ chăn nuôi và người dân trong tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Tính đến hết quý I/2024, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh cơ bản ổn định. Trong đó, đàn trâu, bò có gần 54.000 con; lợn đạt trên 271.000 con; gia cầm đạt 5.038,4 nghìn con, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2023. Tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 24.275 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có gần 38.000 hộ chăn nuôi, trong đó số hộ có biện pháp bảo vệ môi trường chiếm 93,2%.
Chị Vy Yến Hoa (phường Quang Trung, TP Uông Bí) chia sẻ: Nhà tôi chăn nuôi tổng hợp trâu, bò, lợn, gà, dê. Mỗi một mùa vụ mới, gia đình đều chủ động phòng dịch và liên hệ với phường để thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi được kịp thời. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh chuồng trại, gia đình cũng cố gắng chủ động làm sạch sẽ để vật nuôi có môi trường phát triển tốt nhất, đồng thời bảo vệ môi trường xung quanh.
Hiện nay, cùng với tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng đàn vật nuôi theo kế hoạch, Sở NN&PTNT đang triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt, là bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, lở mồm long móng và bệnh dại.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây ra một số bệnh dịch nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, ngay từ cuối năm 2023, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch của ngành, trong đó có lĩnh vực gia súc, gia cầm. 13/13 địa phương đã ban hành kế hoạch và đã bố trí kinh phí thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Các địa phương đang chuẩn bị cung ứng vắc-xin để tiêm phòng đối với những địa bàn nguy cơ cao. Đối với vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm đợt I, một số địa phương như: Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên... đã bắt đầu thực hiện và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng theo kế hoạch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức triển khai giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm để chứng nhận an toàn dịch bệnh, cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, tập trung các dịch bệnh mới, bệnh nguy hiểm trên động vật, phấn đấu nâng tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt trên 80% tổng đàn và kiểm soát tốt dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Trong năm 2024, Sở NN&PTNT tiếp tục xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thí điểm xây dựng 4 vùng an toàn dịch bệnh dại tại các trung tâm du lịch gồm TP Hạ Long và TP Uông Bí. Sở tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm soát giết mổ; kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý chất lượng con giống phục vụ sản xuất. Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tổ chức sản xuất chăn nuôi an toàn.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()