Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:13 (GMT +7)
Ngành Y tế sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19, phòng biến chủng mới
Thứ 3, 04/01/2022 | 08:16:12 [GMT +7] A A
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cùng với cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền trong toàn tỉnh, ngành Y tế Quảng Ninh đã vào cuộc với sứ mệnh cao cả là đi đầu trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nhìn lại 1 năm phòng, chống dịch
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, suốt 1 năm qua, ngành Y tế đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh và UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thống nhất triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Đồng thời, mỗi cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành đã nỗ lực không ngừng nghỉ, không ngại khó khăn, vất vả, không sợ hiểm nguy, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, đồng lòng cùng người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Ngay từ đầu năm 2021 trong đợt dịch thứ 3, phát sinh ổ dịch tại TP Chí Linh (Hải Dương) và ca bệnh tại sân bay Vân Đồn, ngành Y tế Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương gấp rút triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm truy vết thần tốc, triệt để; tăng cường năng lực và mở rộng phạm vi xét nghiệm sàng lọc; nâng cao năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Thời điểm đó, toàn ngành đã thiết lập 3 bệnh viện dã chiến với tổng số 1.200 giường bệnh cùng đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, đồng thời củng cố khu điều trị cách ly tại tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) có giường bệnh. Điều động, tăng cường gần 1.000 nhân viên y tế, 8 xe cứu thương chi viện, hỗ trợ các địa phương tổ chức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân. Nâng cao năng lực xét nghiệm cho 6 cơ sở xét nghiệm, đạt công suất trên 10.000 mẫu đơn/ngày và trên 50.000 mẫu gộp/ngày.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 3, toàn tỉnh đã thực hiện điều tra, truy vết được tổng số 104.233 người (liên quan ổ dịch ở Vân Đồn: 38.310; liên quan ổ dịch ở Hải Dương: 65.923). Thực hiện xét nghiệm cho tổng số 53.870 lượt người liên quan đến 2 ổ dịch Hải Dương, Vân Đồn; trong đó đã phát hiện có 61 ca F0. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai xét nghiệm diện rộng cho 71.612 lượt người tại các địa phương khác và xét nghiệm dịch vụ cho 26.134 lượt người. Chỉ trong vòng 1 tuần cao điểm thần tốc, Quảng Ninh đã ngăn chặn được đà lây lan nhanh, kiềm chế và cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, bên cạnh việc nỗ lực giữ vững địa bàn “xanh” để thực hiện “mục tiêu kép”, trước tình hình diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh đã cử gần 600 lượt nhân viên y tế, giảng viên, sinh viên hỗ trợ các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tỉnh Quảng Ninh chuyển sang trạng thái sống chung an toàn với dịch bệnh. Từ ngày 2/11 ngay khi phát hiện ca đầu tiên trong cộng đồng, ngành Y tế Quảng Ninh đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương tích cực truy vết, khoanh vùng dập dịch. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cơ bản vẫn giữ được địa bàn an toàn, kiểm soát được các ổ dịch.
Xác định việc phòng, chống dịch Covid-19 muốn đạt hiệu quả lâu dài thì công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã nỗ lực bao phủ vắc-xin cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Từ tháng 4 đến tháng 12/2021, ngành Y tế đã tổ chức 27 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, mũi 2 và mũi 3 (mũi tăng cường). Riêng từ ngày 18/12/2021 đến 1/1/2022, toàn tỉnh đã có 376.921 người được tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến hết tháng 1/2022 hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn với gần 1 triệu dân đủ điều kiện tiêm chủng.
Nhiều kịch bản sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19
Hiện nay, dịch Covid-19 ở Quảng Ninh tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Liên tục từ ngày 25/12 đến nay đều ghi nhận trên 100 ca F0 mỗi ngày. Đỉnh điểm ngày 1/1/2022, tỉnh đã phát hiện 254 trường hợp dương tính, trong đó 216 ca phát hiện trong cộng đồng. Chưa kể là nguy cơ xâm nhập, lây lan biến chủng mới Omicron. Vấn đề nữa là chỉ 1 tháng nữa Việt Nam sẽ đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, khi đó nhu cầu đi lại rất cao nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là vô cùng lớn. Trước thực tế đó, tỉnh đã đưa ra nhiều kịch bản phòng, chống, với nhiều cấp độ khác nhau để chủ động ứng phó với dịch bệnh.
Công tác truy vết, khoanh vùng, dập các ổ dịch tiếp tục được ngành Y tế và các địa phương phối hợp thực hiện triệt để. Đồng thời mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Đến nay đã có 17 đơn vị y tế trong tỉnh đã triển khai xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR. Công suất xét nghiệm đạt khoảng 15.000 mẫu đơn/ngày, 75.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 5, 150.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 10. Quảng Ninh tiếp tục khuyến khích người dân tự xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh kháng nguyên tại gia đình, cộng đồng.
Ngành Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả phương án tổ chức quản lý, điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 đáp ứng với các cấp độ dịch trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, phương án điều trị, quản lý bệnh nhân F0 theo mức độ bệnh và mô hình tháp 3 tầng. Cụ thể: Tổ chức chăm sóc, theo dõi F0 ở mức độ không triệu chứng, có nguy cơ thấp ngay tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế; F0 mức độ nhẹ và trung bình được cách ly điều trị tại các TTYT hoặc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (tầng 1 và tầng 2); F0 mức độ nặng, nguy kịch được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh (tầng 3).
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và thực tế kết quả tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Quảng Ninh, tỉnh đã xây dựng phương án thu dung điều trị với 40% F0 tại tuyến xã (tại nhà), 50% tại huyến huyện, 10% ở tuyến tỉnh. Ngành Y tế cũng sẵn sàng 400 giường bệnh hồi sức tích cực (ICU) điều trị F0 ở tầng 3 tại Bệnh viện số 1 (TTYT Móng Cái), Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Phổi), Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi.
Như vậy với việc phân loại F0 theo mức độ bệnh, các đơn vị khám chữa bệnh đã tổ chức song song 2 nhiệm vụ, vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Theo đó, 18 đơn vị y tế có giường bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đều tham gia vào công tác điều trị F0 từ tầng 1 đến tầng 3; TTYT Than khu vực Mạo Khê thuộc ngành Than cũng tham gia vào công tác điều trị F0. Các đơn vị tuyến huyện đã bố trí 40% công suất giường bệnh và nhân lực, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị F0.
Nhiều tháng trước đây, trong khi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước còn e ngại tổ chức cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế thì ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh mạnh dạn áp dụng từ rất sớm và đạt được thành công ở mô hình này. Đến ngày 1/1/2022, toàn tỉnh đang có 284 F0 điều trị tại nhà, 485 F0 điều trị tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế.
Những F0 ở mức độ không triệu chứng, có nguy cơ thấp được theo dõi tại nhà, tại cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế dưới sự quản lý, chăm sóc của nhân viên y tế tuyến y tế cơ sở. Với sự hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế, 12/13 địa phương đã thành lập 123 trạm y tế lưu động (Cô Tô do dân số ít, đặc thù biển đảo, nên chưa thành lập); 1.401 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng; trên 2.250 tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Đặc biệt, Sở Y tế Quảng Ninh đã điều động 27 bác sĩ tăng cường về làm việc tại các trạm y tế, nhờ đó 100% trạm y tế trên toàn tỉnh đều có bác sĩ công tác. Qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường chuyên môn y tế cho các tuyến y tế cơ sở, chủ động điều trị F0 tại nhà và cơ sở cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế, hỗ trợ chuyên môn cho tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Covid-19 với những biến chủng mới xuất hiện buộc các giải pháp ứng phó phải linh hoạt hơn. Trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm là ngăn chặn từ xa, phát hiện sớm để cách ly, tiêm chủng vắc-xin và củng cố hệ thống điều trị, tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở. Ngành Y tế cũng đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực sẵn sàng để người dân khi mắc Covid-19 sẽ được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất với các dịch vụ y tế, thuốc điều trị từ cơ sở và không để tình trạng người dân không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn cũng như không được cấp phát thuốc kịp thời, giám sát điều trị kịp thời.
Dù biến thể Omicron hay các biến thể khác thì virus SARS-CoV-2 vẫn lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc gần và lây theo giọt bắn. Do vậy, thay vì lo lắng, cách tốt nhất mà người dân có thể làm là duy trì nguyên tắc 5K, bởi đây là mấu chốt để ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Đồng thời, thực hiện tiêm đủ liều vắc-xin và tiêm các liều tăng cường như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Nguyễn Hoa
- Kiểm soát chặt người nhập cảnh để giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron
- F0 sau khi điều trị COVID-19 nên ăn gì và kiêng ăn gì?
- Nga sắp lưu hành vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V dạng xịt mũi
- Biến thể Omicron khởi đầu đoạn kết đại dịch Covid-19?
- Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19
- Trải nghiệm khác biệt của người bệnh 2 lần nhiễm Covid-19
- Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt việc tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, hiệu quả
Liên kết website
Ý kiến ()