Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 13:33 (GMT +7)
Ngày đặc biệt
Thứ 5, 01/05/2008 | 13:37:39 [GMT +7] A A
Đã 33 năm qua, nhưng 30.4.1975 vẫn là một ngày quá đặc biệt trong tâm thức người Việt. Khó có thể diễn đạt chính xác tâm trạng tất cả người Việt Nam trong ngày ấy, vì nó có thể rất khác nhau. Nhưng nó giống nhau ở một điểm: tất cả như được cất đi, được trút đi một gánh nặng. Hết chiến tranh rồi! Hòa bình rồi! Với một đất nước phải gánh hai cuộc chiến tranh trong suốt 30 năm, thì ngày thực sự hòa bình đầu tiên trong cả nước đúng là một ngày rất đặc biệt.
Mới đây, có dịp đi Hàn Quốc, trong lúc ngồi nói chuyện với một nhà văn ở Seoul, khi tôi nhắc lại tình cảnh bị chia cắt đất nước của hai dân tộc Việt-Triều, anh nhà văn Hàn Quốc đã thở dài: "Các anh may mắn hơn chúng tôi rất nhiều. Đã ngót 60 năm nay, nước tôi vẫn chưa được thống nhất. Và bây giờ, dường như viễn ảnh của ngày thống nhất ấy càng xa vời". Tôi an ủi anh, mà như tự nói với mình: "Đúng là chúng tôi may mắn. Đã có những thế lực, những toan tính không muốn để cho đất nước chúng tôi thống nhất, muốn chia cắt vĩnh viễn Việt Nam. May mà chúng tôi có ngày 30.4".
Bây giờ, khi chúng ta đi từ Cao Bằng tới Cà Mau suốt hơn hai nghìn cây số, cảm nhận ở đâu cũng là đất nước, là quê hương mình, tôi nghĩ, đó là một niềm hạnh phúc. "Trên dải đất dài mảnh như lưỡi cưa/cưa mãi vào biển cả" như đất nước Việt Nam ta, mà đó là một dải giang sơn thống nhất, không một thế lực nào có thể chia cắt sau bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc, không phải là điều đơn giản đâu! Sau 33 năm, khi đất nước thống nhất đã là điều hiển nhiên, khi Việt Nam từ tâm thế một quốc gia thống nhất muốn làm bạn với cả thế giới, thì đất nước này rất cần những cảm hứng chung để tập hợp ở mức cao nhất tinh thần Việt, ý chí Việt, tấm lòng Việt. Nếu trước mỗi thách thức, thậm chí mỗi nguy cơ hiểm họa, dân tộc ta lại biết siết chặt lại, đoàn kết lại, thì ngay lúc này, những thách thức ấy vẫn còn ở phía trước. Sự toàn vẹn của đất nước vẫn còn là một thách thức. Những hiểm họa có nguy cơ làm chia rẽ đất nước như tham nhũng, như hố sâu ngăn cách giàu nghèo vẫn là một thách thức. Trình độ dân trí thấp vẫn là một thách thức. Và biển phía trước chúng ta vẫn là một thách thức.
Một người bạn vừa nói với tôi: Chúng ta có hơn 2.000 cây số bờ biển, nhưng tâm thức biển của chúng ta còn khá mờ nhạt, quyết tâm vươn ra, chinh phục biển cả của chúng ta còn chưa đủ mạnh, và ý chí làm giàu từ biển của chúng ta còn yếu. Không phải đất nước nào cũng có được ưu đãi về biển như chúng ta, và lãnh hải của chúng ta không phải nước nào cũng có được. Nhưng vì sao cho tới bây giờ, sau 33 năm thống nhất, chúng ta vẫn chưa có được những đội thương thuyền mạnh, một lực lượng hải quân mạnh như ngày xưa cha ông chúng ta đã có? Vì sao khát khao chinh phục biển cả ở nhiều thế hệ người Việt bây giờ lại chưa mạnh mẽ? Trong khi ai cũng biết ở thế kỷ hai mốt này, thì tài nguyên biển mới là tài nguyên lớn nhất. Đã có một ngày, từ 33 năm trước "Ngày dân tộc tụ về đường số Một", trong cái ngày trọng đại ấy, là người Việt, tôi đã từng khao khát: "nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta/Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến/mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay/và những gì anh khao khát bấy lâu nay/anh đã thấy khi tìm về với biển" (Trích trường ca Những người đi tới biển). 33 năm sau ngày thống nhất, biển vẫn phía trước chúng ta!
Liên kết website
Ý kiến ()