Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:37 (GMT +7)
'Ngày tàn' của màn hình LCD đến gần
Thứ 2, 13/05/2024 | 10:00:40 [GMT +7] A A
Công nghệ màn hình OLED ngày càng phổ biến trên các thiết bị điện tử cao cấp, với nhiều ưu thế về khả năng hiển thị so với LCD.
Giải pháp màn hình OLED có bước tiến mới với kiểu hai lớp, được Apple gọi là Tandem OLED trên iPad Pro. Trong khi đó, LCD dần trở nên lỗi thời, không còn được ưa chuộng ở sản phẩm điện tử dân dụng.
Gần đây, Yonhap News cho biết nhà cung ứng LG Display đang đẩy nhanh việc bán dây chuyền sản xuất màn hình LED cuối cùng của mình, để chuyển hoàn toàn sang công nghệ mới.
Xu hướng OLED hóa được đẩy mạnh trong những năm gần đây, dần thay thế màn hình LCD. Điều đang diễn ra trên thị trường điện thoại di động phản ánh rõ ràng sự lụi tàn của thế hệ tấm nền cũ ở các sản phẩm cao cấp.
Bắt đầu từ 2017, dòng iPhone X thiết lập tiêu chuẩn OLED cho smartphone cao cấp. Trước đó, công nghệ này Samsung và nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác thúc đẩy. Hai “tượng đài” vốn trung thành với giải pháp LED là LG cùng HTC đánh mất vị trí của mình và rời khỏi ngành.
Hiện nay, không chỉ smartphone cao cấp mới được trang bị công nghệ màn hình OLED. Loại tấm nền này được sử dụng trên cả điện thoại phổ thông, giá từ 5 triệu đồng. Năm ngoái, một số sản phẩm trung cấp như Redmi Note 12T Pro hay IQOO Z8 vẫn dùng màn hình LCD. Tuy nhiên, hiện các nhà sản xuất này đều đã chuyển sang giải pháp hiển thị không dùng đèn nền LED cho phiên bản mới.
Apple đang trong quá trình loại bỏ LCD khỏi các sản phẩm của mình. iPhone 11 cùng mẫu SE (2022) là những chiếc smartphone cuối cùng của Táo khuyết được trang bị kiểu hiển thị cũ. Mới đây, iPad Pro lần đầu được chuyển sang sử dụng màn hình OLED. Nhiều tin đồn cho biết giải pháp này cũng sẽ được áp dụng với MacBook của hãng.
Samsung dần phổ cập công nghệ AMOLED (biến thể OLED trên sản phẩm Samsung) cho các máy dòng A. Xu thế này lan sang cả máy tính xách tay. Tại Việt Nam, nhiều dòng laptop của Asus được được trang bị loại màn hình này.
Việc sử dụng công nghệ mới giúp nâng cấp đáng kể khả năng hiển thị cho các dòng máy tính Windows, với màu đen sâu và hỗ trợ cả chuẩn HDR. OLED cũng là giải pháp giúp tiết kiệm pin trên thiết bị xách tay.
Với những công nghệ cao cấp hơn như LTPO OLED, tốc độ làm tươi của tấm nền có thể được tùy chỉnh tự động, tối ưu theo tác vụ. Tính năng Always-on-Display cũng chỉ khả dụng ở kiểu màn hình này. Những tấm nền OLED kích thước nhỏ trên di động có thể đạt đến độ sáng tối đa hơn 2.000 nit, khắc phục điểm yếu về tuổi thọ.
Với tiết diện lớn hơn, nhà sản xuất cần bổ sung các tính chỉnh về phần mềm, tránh hiển thị phần nội dung liên tục tại một vị trí để hạn chế bóng mờ. Giải pháp của Apple gần đây là loại OLED kép, với hai lớp hiển thị, giúp nâng độ sáng và khắc phục vấn đề burn-in.
Trong thời kỳ đầu, loại màn hình không dùng đèn LED có chi phí sản xuất đắt đỏ, làm nâng giá sản phẩm nên chỉ được trang bị lên thiết bị đắt tiền. Tuy nhiên những năm gần đây, các công ty Trung Quốc như BOE giúp bình dân hóa công nghệ này, giúp OLED được phổ cập ở nhiều phân khúc, thay thế LCD.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()