Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 17:41 (GMT +7)
“Nghề nguy hiểm”...
Thứ 6, 21/06/2013 | 17:38:11 [GMT +7] A A
Người ta thường nói, nghề báo là “nghề nguy hiểm”! Và khi nói đến tính nguy hiểm của nghề báo, điều đầu tiên mà ai cũng nghĩ tới, ấy là những bài báo đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, vạch trần, đưa ra ánh sáng những vụ phạm pháp, những vụ bê bối trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội v.v.. Nó nguy hiểm bởi để có được những bài báo như thế, nhà báo phải dấn thân, thậm chí đôi khi là sự liều mạng, thì mới có thể điều tra khám phá ra sự thật, mới có tư liệu thực tế để viết bài. Nó còn nguy hiểm hơn bởi sau khi bài báo được đăng, sự thật được đưa ra công luận, không ít trường hợp nhà báo đã bị “phản đòn” theo nhiều cách khác nhau, với nhiều thủ đoạn khác nhau…
Chính vì thế, những nhà báo dám đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, dám phanh phui, đưa ra ánh sáng những hành vi xấu xa, tội lỗi mờ ám v.v.. thực sự là những con người dũng cảm, những nhà báo đáng được tôn vinh!
Nhưng nghề báo còn là “nghề nguy hiểm” khi nhìn theo một phương diện khác nữa. Ấy là sự nguy hiểm mà người làm báo có thể gây ra cho người khác và cho xã hội. Chúng ta đều biết nét đặc thù cơ bản nhất của báo chí là tạo ra công luận; đây là lợi thế của những người làm báo. Nhưng cái lợi thế ấy cũng chính là “con dao hai lưỡi”. Một bài báo hay, phản ánh đúng bản chất sự việc, đúng thực tế khách quan v.v.. sẽ có tác dụng định hướng công luận một cách đúng đắn; nhưng nếu một bài báo, mà vì lý do nào đó (có thể là do vô tình, cẩu thả, hời hợt trong quá trình lấy tư liệu, hoặc do bị một “áp lực” từ ai đó, từ một thế lực nào đó, hay cũng có thể là do động cơ trục lợi cá nhân v.v..) mà người viết đã đưa ra công luận những thông tin sai lệch, khen cái không đáng khen, chê cái không đáng chê v.v.. thì hậu quả của nó thật khó lường. Những bài báo như vậy không chỉ làm mất niềm tin của đông đảo bạn đọc, mà đôi khi còn làm liên lụỵ, gây hại trực tiếp đến chính những người, những tập thể v.v.. được nhắc đến trong bài báo; thậm chí còn có thể là cái cớ để những kẻ cơ hội lợi dụng…
Nói như vậy để thấy làm báo thật là nguy hiểm! Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào? - Những câu hỏi ấy luôn luôn là những áp lực đối với nhà báo có trách nhiệm với nghề. Không chỉ khi viết về những vấn đề gay cấn, hóc búa, những “đề tài nóng” v.v.. mà ngay cả khi viết về những chuyện tưởng chừng như “vô thưởng vô phạt”, không “đấm đá ai”, những lĩnh vực được coi là “an toàn”… thì công việc của người làm báo vẫn ẩn chứa “tính nguy hiểm”, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh, lòng dũng cảm! Dũng cảm để viết những bài báo đấu tranh chống cái xấu, cái ác đã là một nhẽ; còn phải dũng cảm để từ chối không viết hoặc đã viết rồi thì dám tự mình “vứt vào sọt rác” bài báo mà mình thấy không đáng viết, thấy nó có thể “gây nguy hiểm”, làm tổn thương cho danh dự của người làm báo!
Một nhà báo lão thành đã nói, không có nghề nào có cái vinh dự như nghề cầm bút nói chung, nghề báo nói riêng, khi tự mình lại được “đóng dấu nhãn hiệu” tên mình trên mỗi sản phẩm mà mình làm ra! Vậy nên hãy trân trọng nó! Điều này thật đúng lắm thay!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()