Bảo Quốc, Vũ Luân khiến khán giả khóc với vai hai ông lão Việt kiều cô đơn ở Mỹ, trong "Dạ cổ hoài lang".
Tác phẩm công diễn lần đầu tối 8/1 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, do đạo diễn Thanh Điền chuyển thể từ kịch bản của Thanh Hoàng. Hai nhân vật chính doVũ Luân(vai ông Tư đàn kìm) vàBảo Quốc(vai ông Năm) đóng, cùng dàn diễn viên phụ: Thanh Hằng, Linh Tâm, Trọng Phúc, Quốc Đại, Trinh Trinh, Gia Bảo...
Vở giữ lại phần lớn nội dung của nguyên tác. Thời trẻ, ở quê nhà, ông Tư "đờn kìm" và ông Năm vốn là tình địch, cùng yêu Lành (Thanh Hằng) - thôn nữ xinh đẹp, song Lành chỉ một lòng với ông Tư. Vài chục năm sau, Lành qua đời, ông Tư thu xếp sang Mỹ định cư cùng con cháu. Tình cờ, Tư và Năm gặp lại nhau trên đất khách, dẹp bỏ mối thù xưa, trở thành bạn thân. Ở tuổi xế chiều, mỗi người chịu đựng những bi kịch riêng, chất chứa nhiều tâm sự muốn được sẻ chia.
Ở tuổi 51, Vũ Luân hóa thân tự nhiên với vai ông Tư - nghệ nhân đờn kìm nức tiếng vùng quê xưa. Nhân vật mang tạo hình gầy gò, khắc khổ, sống cùng con cháu nhưng cô đơn trong chính mái nhà của mình. Không biết bầu bạn cùng ai, Tư xem ông Năm là tâm giao dù cả hai thường xuyên khắc khẩu. Ông nâng niu cây đờn - vật chứng một thuở cho mối tình của ông và người vợ đoản mệnh.
Lối thoại chậm rãi, trải đời của Vũ Luân giúp người xem đồng cảm với nỗi lòng nhân vật - một ông lão Việt kiều chật vật vì khác biệt văn hóa, khoảng cách thế hệ. Ông khổ sở khi phải giải thích cho cháu nội (Trinh Trinh đóng) hiểu ngày giỗ của ông bà quan trọng ra sau. Khi cháu đề xuất "Hay là ông vào viện dưỡng lão mà sống", ông Tư lặng người, mắt rưng rưng. Đảm nhận phần ca chính, Vũ Luân lấy được nhiều tiếng vỗ tay với những đoạn xuống vọng cổ, hát về tâm tình của người già cô đơn.
Khác vai Vũ Luân, ông Năm được thể hiện hài hước qua diễn xuất của Bảo Quốc. Nghệ sĩ cài cắm nhiều mảng miếng đơn giản nhưng hiệu quả, như phân đoạn Tư và Năm cãi nhau qua lại chuyện "ông khùng hay tui khùng". Tâm lý nhân vật được Bảo Quốc khắc họa nhẹ nhàng mà thấm thía. Ông Năm vốn có cuộc sống đầy đủ, nhưng mỗi lần muốn trò chuyện cùng con cháu phải nhấc điện thoại vì các con đều đi làm xa.
Điểm nhấn của vở là phân đoạn ông Tư cho ông Năm xem bức tranh mình vẽ về khung cảnh làng quê xưa. Cảnh Tư và Năm ôm chầm, vỗ về nhau, xót xa cho chính cuộc đời họ, khiến nhiều khán giả đồng cảm. Không chỉ là bạn bè, tình địch cũ, họ là hai ông già lạc lõng nơi đất khách, nương tựa vào nhau bằng dòng hồi ức lấp lánh về quê hương.
Lau nước mắt, khán giả Nguyễn Thị Thúy, 55 tuổi, cho biết xúc động vì diễn xuất của cặp nghệ sĩ, dù chị đã xem bản kịch nói ba lần. "Một phần vì kịch bản gốc vốn đã hay, phần vì diễn xuất tưng tửng mà sâu cay của Bảo Quốc chạm đến cảm xúc của tôi", khán giả này nói.
Các phân cảnh về quá khứ mang màu sắc tươi trẻ, sôi động. Mối tình tay ba của Tư - Lành - Năm được thể hiện vui nhộn, do các nghệ sĩ Quốc Đại, Thanh Hằng, Gia Bảo tung hứng. Bối cảnh mang sắc xanh của cỏ lá, sông quê, đối lập không gian tuyết trắng lạnh lẽo của giai đoạn về già.
Vở mắc nhiều điểm trừ về chất lượng âm thanh. Lúc nghệ sĩ hát hay thoại, loa vang lên nhiều tạp âm, ảnh hưởng đến sự thưởng thức của khán giả. Khâu mỹ thuật, trang trí có phần sơ sài, chẳng hạn như cảnh ông Tư khoe bức tranh, êkíp sử dụng màn hình LED thay vì đạo cụ thật như bản dựng của sân khấu Idecaf.
Nghệ sĩ Gia Bảo - nhà sản xuất của tác phẩm - cho biết chuyển thể cải lươngDạ cổ hoài langlà tâm huyết từ thời trẻ của anh. Khi anh liên hệ đại diện gia đình nghệ sĩ Thanh Hoàng, vợ ông đồng ý để êkíp chuyển thể, với mong muốn tác phẩm có sự thay đổi để tiếp cận khán giả trẻ. Vở từng đoạt sáu huy chương tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốchồi tháng 11/2022 tại Long An. Tác phẩm nằm trong loạt chương trình Tài danh đất Việt- dựng lại các tuồng kinh điển - do Gia Bảo tổ chức.
KịchDạ cổ hoài langra mắt năm 1995 tại câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm, nay là nhà hát 5B Võ Văn Tần. Với sự góp mặt của Thành Lộc, Việt Anh, vở kịch trở thành hiện tượng, diễn mùa Tết ba suất mỗi ngày - sáng, chiều, tối, tổng cộng hơn 700 suất. Năm 2014, sân khấu kịch Idecaf dựng lại vở nhằm đánh dấu 20 năm ra đời. Năm 2017, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra mắt phimđiện ảnhcùng tên với kịch bản chuyển thể từ vở diễn, doHoài Linhđóng ông Tư,Chí Tàiđóng ông Năm.
Ý kiến ()