Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:31 (GMT +7)
Nghệ sĩ mải gameshow, lấy đâu tài năng để công nghiệp hóa văn hoá?
Thứ 2, 19/09/2022 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Từ năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Sau 6 năm, sự nghiệp công nghiệp hóa văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn.
Xét ở 12 ngành văn hóa được chọn là mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến 2030, điện ảnh - âm nhạc (nằm trong khối ngành nghệ thuật biểu diễn) được xem là những mũi nhọn tiên phong, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực trạng hiện tại, phim Việt đang thua lỗ nặng nề. Hơn 20 phim ra rạp trong 8 tháng đầu năm 2022, chỉ có “Em và Trịnh” cán mốc trăm tỉ, còn lại đều có doanh thu bết bát.
Âm nhạc cũng không khá hơn khi số lượng sản phẩm chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số đông ca sĩ hoạt động cầm chừng, chủ yếu phát hành MV trên nền tảng số. Thị trường âm nhạc vẫn vắng vẻ sau dịch, chưa có tín hiệu hồi sinh.
Nhiều nghệ sĩ xuất hiện dày đặc ở các gameshow giải trí
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động về đề tài công nghiệp hóa văn hóa – tiến tới biến những ngành nghệ thuật thành nền kinh tế phát triển, đóng góp GDP cho quốc gia, như Hàn Quốc, Nhật Bản – nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, anh chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực để thực hiện “chiến lược công nghiệp hóa văn hóa” ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc.
“Muốn xuất khẩu âm nhạc, lan tỏa âm nhạc ra thế giới như Kpop, sẽ phải biết mình có gì. Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã bắt đầu từ 2016, nhưng trong suốt những năm qua, với lĩnh vực âm nhạc, tôi thấy chúng ta chưa thể làm được gì.
Nghệ sĩ Việt Nam không có khát vọng vươn ra thế giới. Nghệ sĩ của chúng ta chỉ loanh quanh tìm cách lên TV, tham gia gameshow, tham gia các chương trình truyền hình thực tế, làm thế nào để ra mắt sản phẩm thu hút công chúng và chạy được nhiều show” – nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, gameshow phát triển rầm rộ trên khắp các kênh sóng. Hàng loạt gameshow giải trí ra đời, truyền hình thực tế được xây dựng với đủ loại kịch bản, các talkshow trò chuyện với nghệ sĩ cũng phủ sóng rộng khắp... Với sự phát triển mạnh mẽ của gameshow, số đông nghệ sĩ chạy show mệt nghỉ.
Rất nhiều nghệ sĩ đang trở nên nổi tiếng nhờ gameshow. Trong đó, không khó kể tên loạt nghệ sĩ tham gia gameshow giải trí “năm này qua năm khác”, gần như không còn hoạt động nghệ thuật.
Hệ lụy
Lâm Vĩ Dạ xuất thân là diễn viên nhưng hoạt động chủ yếu trên các gameshow truyền hình. Số vai diễn rất ít, nhưng số gameshow Lâm Vĩ Dạ tham gia khá dày. Ngoài tham gia là người chơi ở các chương trình giải trí, Lâm Vĩ Dạ còn là gương mặt gắn bó với nhiều mùa 7 nụ cười xuân, Ơn giời cậu đây rồi...
Trương Thế Vinh, Ngô Kiến Huy, Jun Phạm, Hari Won... vốn là những ca sĩ, nhưng sản phẩm âm nhạc thưa thớt hơn hẳn so với mật độ họ chạy show ở các chương trình trò chơi trên truyền hình.
Liên Bỉnh Phát sau vai diễn ở “Song Lang”, cho đến nay gần như không có thêm vai diễn nào, nhưng bật truyền hình lên sẽ thấy anh đang tham gia một gameshow nào đó, gần nhất là “Hai ngày một đêm”.
Trường Giang có lẽ đã quên hẳn vai trò là diễn viên của mình. Hiện Trường Giang là một trong những nghệ sĩ đắt show nhất ở các chương trình giải trí, anh xuất hiện với nhiều vai trò khác nhau: MC, khách mời, người chơi... Trường Giang xuất hiện dày đặc trên khắp các kênh.
Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc... đều là những diễn viên được đánh giá tài năng, nhưng cũng có khoảng thời gian dài “chìm đắm” ở các gameshow giải trí.
Mới đây, Lê Huỳnh Thúy Ngân chia sẻ nỗi buồn, sự bức xúc trên trang cá nhân khi bị nhiều khán giả chỉ trích “ngày càng nhạt”, “tham gia quá nhiều gameshow” khi xuất hiện ở “Hai ngày một đêm”.
Năm 2019, Hương Giang Idol bị kêu gọi tẩy chay khi xuất hiện dày đặc, mỗi chương trình nói một kiểu, thông điệp đôi khi đối nghịch nhau và thích rao giảng đạo lý.
Khi được hỏi về mật độ tham gia gameshow nhiều, Trương Thế Vinh từng chia sẻ, “Chúng tôi muốn làm nghề lắm chứ, nhưng số lượng dự án phim sản xuất mỗi năm rất ít, số phim chất lượng càng ít hơn. Chúng tôi không thể ngồi im chờ đợi cho đến khi có kịch bản phim ưng ý. Nếu chờ đợi như vậy, có thể cả năm thậm chí lâu hơn mới có vai”.
Nghệ sĩ mải chơi gameshow như một cách thức kiếm tiền mới, bỏ quên hoạt động nghề, sẽ dẫn đến những hệ lụy. Trong đó có việc, gameshow sẽ khiến nghệ sĩ không còn hoài bão, không còn khát vọng làm nghề để vươn ra thế giới.
Số lượng phim ít ỏi, kịch bản thiếu và yếu, thị trường ế ẩm... Khi mọi khâu đều yếu, giấc mơ công nghiệp dường như vẫn xa vời.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()