Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:29 (GMT +7)
Tưởng nhớ nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Vượng Nghệ sĩ, nhà báo Công Vượng và 2 bức ảnh để đời
Thứ 4, 28/06/2023 | 21:25:15 [GMT +7] A A
Nhà báo Nguyễn Công Vượng, nguyên Trưởng Ban Bạn đọc Báo Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh còn được biết đến với vai trò là một nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội, một hội viên kỳ cựu của Hội VHNT Quảng Ninh. Trong cuộc đời tác nghiệp và sáng tác ảnh nghệ thuật của mình, ông đã có được những bức ảnh để đời, đi vào lịch sử nhiếp ảnh Quảng Ninh.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Công Vượng sinh ngày 10/4/1934, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông từng có 4 năm học Thiếu sinh quân tại Liên Khu 4, thường xuyên được phân công viết báo tường. Trong một bài viết của mình, ông kể: "Tôi không ngờ rằng chính thời gian này đã giúp tôi tập nghề báo. Nhờ vậy, những ngày đầu vào nghề báo của tôi tuy không được học qua trường lớp nghiệp vụ nào, tôi viết ngay được tin, bài đăng lên báo".
Khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngôi trường có thể coi là trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông được phân công về Báo Lao động. Ngày 10/12/1956, khi chuẩn bị nhận việc tại Báo Lao động, thì nhà báo Công Vượng được tin Báo Vùng mỏ, cơ quan kết nghĩa với Báo Lao động, đề nghị xin phóng viên. Vậy là ông cùng với nhà báo Võ Liên đều là Đoàn viên thanh niên cứu quốc xin tình nguyện về Báo Vùng mỏ công tác.
Về Vùng mỏ, nhà báo Công Vượng đi cơ sở liên tục, có khi ở Cửa Ông, Cẩm Phả đến 3 tháng liền, chỉ khi được lệnh mới về Hòn Gai. Có khi ở ngay Hòn Gai nhưng lại vào mỏ Hà Lầm cả tuần liền ông không về tòa soạn dù chỉ cách đó mấy cây số. Những năm tháng đó, nhà báo Công Vượng và đồng nghiệp cũng phải đi lên công trường nhà máy hầm mỏ tuyên truyền vừa để phát hành báo vì lúc đó bưu điện chưa đảm nhận việc phát hành. Sau 6 năm làm báo, ông mới được cử đi học lớp báo chí đầu tiên của Ban Tuyên huấn Trung ương mở tại Hà Nội trong thời hạn một năm.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha, nguyên Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tại Quảng Ninh, nguyên Trưởng Ban Chính trị - Xã hội Báo Quảng Ninh, nhớ lại: "Khi tôi còn là thợ mỏ vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, đã thấy anh Công Vượng lên các công trường Bàng Danh A, Lộ Phong (mỏ Hà Tu, nay là khai trường của Công ty CP Than Hà Tu) để chụp ảnh viết báo. Ông đã chụp những bức ảnh quý giá về thời kỳ khai thác thủ công cuốc than, đẩy xe goòng dùng xẻng xúc than hất lên ô tô, cảnh những chiếc máy xúc đầu tiên ở khu mỏ. Từ những năm tháng thực tế trên công trường, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Vượng đã có nhiều sáng tác về thợ mỏ, công việc sản xuất than, tự vệ mỏ".
Sau khi tốt nghiệp lớp báo chí về, nhà báo Công Vượng được cử làm Tổ phó Tổ tuyên truyền công nghiệp Trung ương của Báo Quảng Ninh do nhà báo Như Mai làm Tổ trưởng. Lúc này, báo Quảng Ninh có trách nhiệm giúp ngành Than có thêm một tờ báo chuyên tuyên truyền về việc sản xuất than lấy tên là Vùng mỏ. Nhà báo Công Vượng tình nguyện về Báo Vùng mỏ công tác.
Nhà báo Công Vượng là con người nhiệt huyết tận tậm với công việc làm báo và cả sáng tác ảnh. Tuy nhiên, theo nhà báo Đỗ Kha, những bức ảnh làm nên tên tuổi nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Vượng lại không phải là ảnh chụp mỏ. Cuộc đời chụp ảnh của nhà báo nghệ sĩ Công Vượng có 2 sự kiện đáng nhớ nhất và ông còn giữ được những thước phim đó là ảnh chụp Bác Hồ nâng niu hòn than Tết Ất Tỵ 1965 và ảnh chụp phi công người Mỹ An-vơ-rét bị bắt sống ở Vùng mỏ.
Sinh thời, nhắc lại sự việc này, nhà báo, nghệ sĩ Công Vượng từng kể: "Tôi nhớ chiều 5/8/1964, cả thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) vang động tiếng gào rú của máy bay, tiếng súng cao xạ, đại liên, trung liên... từ bốn phía bắn lên. Ban biên tập Báo Vùng mỏ (lúc này đã có Báo Quảng Ninh, báo Vùng mỏ được chuyển về cho ngành Than, sau này lại được nhập vào Báo Quảng Ninh) triệu tập cuộc hội ý chớp nhoáng và phân công nhiệm vụ cho các cán bộ, phóng viên theo dõi tình hình chiến sự.
Khi cuộc chiến đấu chấm dứt được khoảng mươi phút thì Đài Phát thanh thị xã Hòn Gai đưa tin máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, giặc lái nhảy dù rơi ngoài Vịnh. Tôi lập tức cầm máy ảnh cùng sổ công tác lao đi lấy tư liệu. Tuy nhiên, rất tiếc là khi ra tới nơi thì viên phi công đã bị bắt và được đưa đi rồi. Cho tới khoảng hơn 20 giờ cùng ngày, trong lúc đang bắt đầu ăn cơm tối thì tôi nhận được tin Toà soạn báo tin tên giặc lái nhảy dù hiện đang bị giam giữ tại Bãi Cháy. Thế là tôi buông bát, cầm nhanh máy ảnh lên đường".
Nghệ sĩ, nhà báo Công Vượng qua phà đến đơn vị hải quân, thấy anh em chiến sĩ đang khẩn trương giải quyết hậu quả, chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Trong căn phòng rộng hơn 10m2, trung úy phi công An-vơ-rét đang ngồi trên một ghế đẩu giữa phòng trả lời thẩm vấn.
Nghệ sĩ, nhà báo Công Vượng đưa máy ảnh lên chụp, An-vơ-rét phản ứng rất nhanh, cố ý để không cho ghi hình. Có lần ông đã từng kể: "Tôi hạ máy xuống, nhìn thẳng vào y, tỏ thái độ rất nghiêm khắc. Thấy vậy, An-vơ-rét cúi đầu xuống để tránh ánh mắt của tôi. Tôi liền giơ máy bấm liên tục 3 kiểu chưa đầy 1 phút... Trở về, tôi vào ngay buồng tối để tráng phim, rửa ảnh. Xem đi xem lại 3 kiểu ảnh và chọn kiểu viên phi công cúi đầu, đôi mắt nửa như ngạc nhiên, lấm lét, nửa như sợ hãi, khuất phục. Bức ảnh đã được đăng trên Báo Quảng Ninh và Báo Nhân dân ngay sau ngày diễn ra Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 và đã gây ấn tượng mạnh trên công luận".
Tết Ất Tỵ năm 1965, nhà báo Công Vượng được cơ quan Báo Quảng Ninh phân công chụp ảnh Bác Hồ khi Người về thăm, nói chuyện với nhân dân Vùng mỏ. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thọ Chân thay mặt tỉnh và ngành Than dâng lên Bác hòn than thứ 5 triệu. Nghệ sĩ Công Vượng trước đó đã chụp ảnh nhiều về than nên nắm bắt khoảnh khắc này rất tự nhiên. Khi ông thấy Bác Hồ nâng hòn than lên và căn dặn hãy sản xuất nhiều than cho Tổ quốc, lập tức ông nâng máy lên.
Bức ảnh lớn đăng ngay trang nhất số báo hôm sau khiến nhiều độc giả xúc động. Ảnh chụp Bác Hồ từ bên trái nâng hòn than bên kia là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân. Hòn than trên tay Bác có giá trị biểu tượng đó là vàng đen, thứ sản phẩm quý giá mà cả nước đang trông đợi vào sự tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật để ngày càng làm nhiều than cho Tổ quốc, góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Vượng còn nhiều bức ảnh đáng chú ý khác nhưng chỉ với 2 bức ảnh vừa kể cũng đủ để khẳng định tên tuổi của ông trong làng báo, làng văn nghệ Quảng Ninh.
Năm 1967, khi Báo Vùng mỏ sáp nhập vào Báo Quảng Ninh, nhà báo Công Vượng trở lại Báo Quảng Ninh. Một thời gian sau, ông được cất nhắc lên làm Tổ trưởng Tổ tuyên truyền công nghiệp trung ương thay nhà báo Như Mai đã chuyển sang làm thư ký tòa soạn. Sau đó, ông làm Trưởng Ban Tuyên truyền công nghiệp, Trưởng Ban ảnh và được giao thêm nhiệm vụ Thường trực Chi hội Nhà báo Quảng Ninh. Tháng 6/1991, nhà báo Công Vượng được bổ nhiệm Trưởng Ban Bạn đọc Báo Quảng Ninh. Tháng 5/1995, nhà báo Công Vượng được nghỉ hưu, hoàn thành sứ mệnh của người làm báo suốt hơn 40 năm gắn bó.
Trưa ngày 28/6/2023, nhà báo Công Vượng giã từ cõi tạm ở tuổi 90, để lại niềm tiếc thương trong lòng gia đình, đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến ông. Trong suốt hơn 40 năm làm nghề, ngoài 2 bức ảnh để đời vừa kể trên, nhà báo Công Vượng để lại cho bạn đọc rất nhiều bài báo hay được đăng trong báo chí của tỉnh và trung ương, hàng trăm bức ảnh được treo trong các phòng truyền thống ở cơ sở, trong các bảo tàng. Ông được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Ninh từ năm 1982. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Vượng cũng có ảnh được trao giải nhì cuộc thi ảnh Quảng Ninh năm 1982, nhiều ảnh lọt vào triển lãm khu vực đồng bằng sông Hồng và của các bộ, ngành trung ương. Đó là gia tài quý của ông, của một người làm báo, một nghệ sĩ cần mẫn và tâm huyết.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()