Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:18 (GMT +7)
NSND Vũ Tiến Mác
Thứ 5, 20/04/2023 | 15:46:32 [GMT +7] A A
Từ lúc thành lập tỉnh, tính tới thời điểm này khối nghệ thuật sân khấu Quảng Ninh có 4 người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Người đầu tiên là Lê Dung, sau đến Quang Thọ - đều quá nổi tiếng. Với Minh Huệ (bộ môn chèo) và Tiến Mác (cải lương) thì ít người biết hơn. Bởi chèo và cải lương là hai bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc kén khán giả. Hiện 2 đoàn chèo và cải lương được sáp nhập vào Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh. Dẫu vậy, những thành tựu nổi trội và sự cống hiến của 2 NSND này thì không thể phai mờ.
NSND Tiến Mác tên đầy đủ là Vũ Tiến Mác, sinh năm 1960 trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh, chị em ở xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ bé, Tiến Mác đã có năng khiếu và ham mê múa hát, hăng say tham gia đội văn nghệ thiếu nhi của xã. Một lần, chị phụ trách dạy cho cậu khúc cải lương ca ngợi tấm gương anh hùng của Võ Thị Sáu, Tiến Mác như nuốt từng lời và thuộc lòng từng câu chữ, cùng giọng ca lúc xuống thấp lúc vút cao. Chị phụ trách phát hiện Tiến Mác rất hợp với cải lương nên đưa cậu tới những nhà có radio để nghe những hôm có chương trình cải lương. Tiến Mác “nhiễm” cải lương từ khi đó.
Năm 1977, khi Đoàn Cải lương Vĩnh Trà (Thái Bình) về các vùng quê tuyển diễn viên, Tiến Mác khi ấy 17 tuổi ứng tuyển và lựa chọn rồi được cử về Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Hà Nội) để học tập.
Như từ ao làng ra biển lớn, ở đây Tiến Mác được học nhiều thầy cô giỏi, như cô Liên, cô Nga, nhất là thầy Triệu Quang Vinh, thân sinh của NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên (hiện là Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương). Thầy Vinh rất quý Tiến Mác. Những ngày nghỉ, thầy thường đưa Tiến Mác về nhà riêng cho nghe “lén” băng đĩa cải lương của các nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam trước thời giải phóng. “Máu” cải lương càng ngày càng thấm đậm trong Tiến Mác. Ở trường, anh còn được gặp những đồng môn giỏi từ các tỉnh tuyển về như Tố Hoàn (Đoàn Cải lương Hải Phòng). Những lúc rỗi rãi, hai chị em Tố Hoàn - Tiến Mác lại tập khớp với nhau những bài vọng cổ. Nhà trường phát hiện, khích lệ và tối thứ bảy nào cũng mời cả hai diễn trên đài truyền thanh nội bộ của trường khiến tập thể Khu văn công Mai Dịch lúc bấy giờ rất thích thú.
Tiến Mác nhớ như in, sau một năm học ở trường, nghỉ hè gom góp được ít tiền, anh xuôi tàu làm một chuyến vào Sài Gòn tìm gặp thần tượng của mình là nghệ sĩ Thanh Tuấn nổi danh khắp miền Nam từ trước năm 1975. Không may cho anh là đúng dịp Thanh Tuấn cùng với Thanh Kim Huệ đang lưu diễn ở Tây Nam Bộ. Thất vọng, Tiến Mác tìm đến người chị họ vào Nam từ năm 1954. Sau buổi hàn huyên, người chị dẫn anh vào chợ Bến Thành mua sắm cho đủ thứ nào quần áo, giày, cà vạt nhưng anh vẫn không vui. Thấy em không vui, người chị gặng hỏi thì Tiến Mác đề nghị chị đổi những thứ mới sắm cho mình bằng một cái cát-sét. Người chị dẫn Tiến Mác tới quầy băng đĩa mua cho anh đủ loại, nhất là những băng cải lương gốc, toàn những giọng ca gạo cội như Út Chà Ôn, Bạch Tuyết, Phương Liên, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Hoài Thanh, Minh Cảnh, đặc biết là Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ.
Trở về trường, Tiến Mác giấu nhẹm những thứ đó. Chỉ vào lúc nửa đêm khi cả khu trường chìm vào giấc ngủ, anh mới dám trùm kín chăn để nghe trộm, bởi thời điểm đó những bản nhạc vàng, những điệu vọng cổ bi thương, ai oán đều bị liệt vào diện “cấm”.
Nhờ niềm say mê và sự miệt mài rèn giũa, cùng với sự dạy bảo tận tình của các thầy cô, nhất là việc “học mót” được những kỹ thuật nén hơi, dồn chữ của các danh ca cải lương (qua băng đĩa) mà giọng ca của Tiến Mác càng ngày điêu luyện, nổi trội nhất trong khóa học cải lương của trường. Tiến Mác thường xuyên được mời cùng với tốp ca nhạc Trung Đức, Thu Huyền đi “lưu diễn lẻ” khắp các cơ quan, công sở quanh Hà Nội. Thù lao lúc bấy giờ chỉ là cân đường, hộp sữa, vài cân gạo, nhưng Tiến Mác vẫn thấy tự hào và vui sướng vô cùng.
Trong trích đoạn “Miệng mật, lòng gươm” làm bài tốt nghiệp, Tiến Mác đóng vai Lục Văn Tiên trên đường đi thi về bị kẻ xấu hại mù hai mắt rồi vứt xuống sông. Được một ngư dân vớt lên, anh đau đớn cất lên 3 câu vọng cổ ai oán làm cả hội trường chật kín người cùng rơi lệ. Ai cũng thán phục giọng ca mùi mẫn và đầy truyền cảm của Tiến Mác.
Thấm thoát 4 năm học trôi qua, Tiến Mác đạt bằng tốt nghiệp loại khá. Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam mời anh về làm việc nhưng Tiến Mác lại muốn về Đoàn Cải lương Vĩnh Trà quê anh.
Bấy giờ, Đoàn Cải lương Vĩnh Trà mới tiếp quản trại thương binh ở xã Đông Mỹ, huyện Đông Hưng, cách thị xã Thái Bình 7 cây số. Đời sống vật chất và tinh thần của diễn viên rất kham khổ, nhất là thiếu nước sạch, phải gánh nước đục ngầu từ sông về đánh phèn để dùng. Vậy mà Tiến Mác cùng với anh chị em diễn viên vẫn ngày đêm say mê luyện tập.
Năm 1985, tham gia Hội diễn sân khấu cải lương ở Nghệ An, Tiến Mác đóng vai kỹ sư Khánh trong vở “Tôi và chúng ta” chuyển thể từ kịch nói của Lưu Quang Vũ và giành Huy chương Bạc. Năm 1990, tham gia Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc tại Hải Phòng, với vai Ktam trong vở “Tiếng hát cao nguyên”, Tiến Mác đã giành Huy chương Vàng cùng với nữ diễn viên Hương Sen thành cặp đào kép có tiếng cả hội diễn.
Khi Đoàn Cải lương Vĩnh Trà chuyển về thị xã (nay là thành phố Thái Bình), Tiến Mác đã có vợ, nhưng vẫn đam mê hết lòng vì nghệ thuật. Gom góp được ít tiền, anh đi khắp các chợ, các phố, hễ ở đâu có cái cát-sét nào tiếng chuẩn, bằng mọi giá anh cũng lần mò tìm kiếm mua về.
Cho đến tận bây giờ, những người yêu bộ môn nghệ thuật cải lương ở Thái Bình vẫn còn nhớ những vai diễn để đời của Tiến Mác như vai Bécbidơ (Hoàng hậu Ba Tư), vai Kim Trọng (Thúy Kiều), vai Điệp (Chuyện tình Lan và Điệp)… Nhớ giọng ca vọng cổ vừa vang xa, vừa trong sáng đầy quyến rũ của chàng nghệ sĩ trẻ với cái răng khểnh rất có duyên.
Năm 1996, Tiến Mác đầu quân về Đoàn Cải lương Quảng Ninh và với vai Biền trong vở “Người đàn bà trên cỏ”, tại Hội diễn sân khấu cải lương toàn miền Bắc ở Nam Định, Tiến Mác đã giành Huy chương Vàng. Để gây ấn tượng mạnh, đạo diễn Doãn Hoàng Giang bố trí cho anh đứng giữa sân khấu lặng im năm phút khói lửa mù mịt. Tiếng các đồng đội vọng về. Bỗng “Huy ơi, Dũng ơi! Các đồng đội của tôi ơi!...” Giọng ca của Tiến Mác không lấy hơi, không ngắt quãng cao vút như xé loa bắn liền 80 chữ “xuống xề” làm cả khán phòng như ngừng thở rồi vỡ òa xúc động. NSND Mạnh Tường, NSND, đạo diễn Phạm Thị Thành và nhiều bạn diễn, lúc màn hạ đã ùa lên sân khấu ôm lấy anh, tỏ lời nể phục.
Năm 2000, tại Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, trong vai Thái của vở “Sắc phù dung”, Tiến Mác đã giành Huy chương Bạc. Năm 2012, cũng tại Hội diễn cải lương tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, trong vai Trần Thủ Độ ở vở “Phù Vân”, Tiến Mác giành Huy chương Vàng. Hai năm sau (2014), tại Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc tổ chức ở Đồng Nai, anh lại giành thêm Huy chương Vàng với vai Lãng trong vở “Người đàn bà 13 bến nước”…
Với những thành công đạt được trong sự nghiệp, ngày 11/1/1998, Vũ Tiến Mác được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT; ngày 10/1/2016 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.
Sau khi nghỉ hưu, NSND Tiến Mác vẫn không ngừng ca hát. Những buổi gặp gỡ, hoặc tổng kết nào ở các cơ quan, có lời mời là anh nhiệt tình tham gia. Có những vị lãnh đạo ở mỏ than đã nghỉ hưu nhớ giọng hát, mời riêng anh tới phòng trà hát, anh cũng vui vẻ nhận lời.
Đã ngoài tuổi 60 nhưng Tiến Mác vẫn trẻ trung khỏe mạnh, giọng ca lúc nào cũng sang sảng. Anh có 2 con, trong đó con gái lớn đang làm việc tại Nhà hát Chèo Việt Nam, còn người con trai thì vào thành phố Hồ Chí Minh theo nghiệp múa rối. Trong gian nhà cấp bốn tại Khu tập thể văn công ở Cái Dăm (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long), NSND Vũ Tiến Mác và vợ là nghệ sĩ cải lương Bích Liên vẫn sống kiệm cần ấm cúng, chăm sóc nhau và vui ôn lại chuyện sân khấu mỗi khi có bạn bè, đồng nghiệp cũ tới chơi.
Vân Nam
Liên kết website
Ý kiến ()